Không có chuyện Con Cưng kinh doanh hàng giả

Thứ tư, 15/08/2018, 19:20 PM

Cáo buộc Con Cưng kinh doanh hàng giả gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua. Nhưng sau nhiều ngày kiểm tra liên tục tại gần 200 cửa hàng, làm việc với hàng loạt nhà cung cấp và các cơ quan có liên quan, Đoàn kiểm tra do Bộ Công thương thành lập đã ghi nhận, chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ trẻ em này không hề bán hàng giả như cáo buộc.

Con Cưng không kinh doanh hàng giả

Mới đây, khách hàng Trương Đình Công Vĩnh đã gửi khiếu nại tới Phòng bảo vệ người tiêu dùng- Cục Quản lý cạnh tranh. Trong đơn khiếu nại, ông Vĩnh nghi ngờ sản phẩm của Con Cưng bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion).

Đơn khiếu nại của ông Vĩnh đã dấy lên làn sóng “ném đá” Con Cưng dù kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng chưa được đưa ra. Chỉ dựa vào một phát ngôn của một thành viên đoàn kiểm tra khi đợt kiểm tra còn chưa kết thúc, từ một vài sai sót hành chính (không phải hành vi gian lận thương mại), sự việc ở Công ty Con Cưng bỗng chốc bị thổi phồng thành Con Cưng bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Các kết luận ban đầu cho thấy Con Cưng có các lỗi sai sót liên quan đến vận hành, quản trị website thương mại điện tử, ghi nhãn bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt theo quy định về ghi nhãn, thông tin trên nhãn chưa đầy đủ, hoặc dán nhãn chưa đúng quy cách... Tuy nhiên, những sai sót này không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Chúng là những lỗi thường gặp mà hầu hết các doanh nghiệp đều có thể mắc phải.

Với những lỗi kể trên, Con Cưng sẽ nhận những mức phạt phù hợp. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể khẳng định Con Cưng bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Các bằng chứng cho thấy không có chuyện Con Cưng kinh doanh quần áo trẻ em giả xuất xứ Thái Lan như cáo buộc của một số cá nhân. “Con Cưng đã xuất trình đầy đủ hồ sơ chứng minh sản phẩm thời trang trẻ em hiệu CF được nhập khẩu từ Thái Lan”, một thành viên của Đoàn Kiểm tra khẳng định.

Con Cưng rơi vào khủng hoảng sau nghi vấn nhập nhằng tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ (Ảnh: Internet)

Con Cưng rơi vào khủng hoảng sau nghi vấn nhập nhằng tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ (Ảnh: Internet)

Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương đã kiểm tra và có báo cáo cho thấy, hồ sơ hàng hoá hoàn toàn hợp lệ. Sản phẩm quần áo nhãn hiệu CF có xuất xứ Thái Lan và không bị khuyết tật. Việc thu hồi là thiện chí của công ty muốn thông tin chi tiết trên mác, tránh gây hiểu lầm. 

Cũng không có chuyện Con Cưng không xuất trình được hoá đơn chứng từ cho đoàn kiểm tra. Trên thực tế, Con Cưng đã xuất trình đầy đủ tất cả hồ sơ và cơ quan chức năng đã kiểm tra, làm việc với các nhà cung cấp và kết quả cho thấy tất cả hợp lệ. 

Kết quả kiểm tra tất cả các siêu thị (95), với 15.000 mặt hàng, trong đó có kiểm tra cả hồ sơ hàng hoá, thậm chí kiểm nghiệm chất lượng đều cho thấy Con Cưng không gian lận thương mại. 

Chờ Bộ Công thương “bảo vệ”

Dù các bằng chứng cho thấy không có chuyện Con Cưng kinh doanh hàng giả nhưng sau “cú sốc” Khaisilk, người tiêu dùng vẫn rất thận trọng khi quyết định mua sản phẩm của thương hiệu này. Đó còn chưa kể đến hiện tại, trên thị trường đang có nhiều thương hiệu cạnh tranh trực tiếp với Con Cưng đang được truyền thông rộng rãi. Việc Con Cưng chịu “hàm oan” dù vô tình hay cố tình đều đang tạo thuận lợi cho những đối thủ như vậy.

Vì vậy, người tiêu dùng rất mong Bộ Công thương nhanh chóng đưa ra những kết luận cuối cùng về tất cả các vấn đề liên quan đến Con Cưng. Nếu Con Cưng không bán hàng giả, Bộ phải “minh oan” cho thương hiệu này. Nếu Con Cưng có sai sót, Bộ cũng chỉ rõ và đưa ra những mức phạt phù hợp, để tránh tình trạng các  sai sót bị cố tình hiểu thành sai phạm.

Được biết, ngày 14/8, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các đơn vị chức năng và đoàn kiểm tra liên ngành về việc của Công ty Cổ phần Con Cưng. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì. Tham dự cuộc họp còn có đại diện Cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng,...

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ sẽ ra kết luận sớm, đảm bảo công tâm, khách quan, doanh nghiệp không bán hàng giả cần được minh oan, còn sai sót vẫn phải xử phạt để doanh nghiệp quản trị tốt hơn, cũng là cách để giúp doanh nghiệp lớn mạnh hơn.

Có động cơ nào sau scandal Con Cưng?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM phân tích vụ việc lần này có nhiều thứ để nói. 

“Tại sao một Con Cưng đang yên, đang lành lại bị động chạm một cách vô nguyên với những bằng chứng không rõ ràng. Nếu vi phạm chỗ nào ta làm một  điểm trước đi rồi có kết luận chính thức rồi hẳn làm các điểm khác chứ tập trung làm một lần cho hết, cuối cùng đến giờ vẫn chưa có kết luận là nó có sai gì. Vậy thời gian dài, ảnh hưởng doanh nghiệp ai chịu?”.

Ông Hưng cho biết đây không phải lần đầu tiên mà trước đây cũng đã có doanh nghiệp xúc xích bị Quản lý thị trường (QLTT) làm như thế và sau đó kiện tụng to chuyện. 

Phải hiểu, để xây dựng 1 thương hiệu rất khó và giết chết thương hiệu rất dễ, thế nên tổn thất này rất khó để thống kê. “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” mà đây người ta không bán. Vì nỗi oan ức này mà danh tiếng Con Cưng mất mát nhiều. Biết bao nhiêu tiền bạc, công sức, thời gian họ đã bỏ ra để xây dựng thương hiệu giờ tính sao? Vì vậy, mong các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay trong vấn đề thanh, kiểm tra hoạt động doanh nghiệp cần xem lại. Nếu lỗi nghiệp vụ thì cần phải nói, phải nhìn nhẩn để chấn chỉnh, rút kinh nghiêm còn nếu có những động cơ nào khác thì phải xử lý nghiêm. 

Theo ông Hưng, đây là cuộc khủng hoảng truyền thông lớn mà Con Cưng phải đối diện và cần có động thái khắc phục. Con Cưng phải có động thái mạnh mẽ, có thể kiện lại những công bố thiếu chuẩn xác và yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

“Qua đây, Cục quản lý thị trường phải xem xét lại việc công bố tiến hành kiểm tra doanh nghiệp một cách ồ ạt, trong thời gian dài gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hưng khẳng định.

Nhóm phóng viên

Theo NTD

largeer