Không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng

Thứ sáu, 10/08/2018, 13:55 PM

“Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với tổ chức tín dụng yếu kém). Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông... Kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ...” - đây là một trong những nội dung chính của Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 2-8-2018 về tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong sáu tháng cuối năm 2018 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành và gửi đến các tổ chức tín dụng.

 Các ngân hàng cổ phần lớn như Quân đội, VPBank, Sacombank và bốn ngân hàng quốc doanh, nửa quốc doanh cho biết hạn mức tín dụng chỉ còn ít. Ảnh: TBKTSG

Các ngân hàng cổ phần lớn như Quân đội, VPBank, Sacombank và bốn ngân hàng quốc doanh, nửa quốc doanh cho biết hạn mức tín dụng chỉ còn ít. Ảnh: TBKTSG

Như vậy việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng đã chính thức được khẳng định sẽ không xảy ra trong thời gian còn lại của năm. Động thái này của cơ quan quản lý được đánh giá là hoàn toàn hợp lý trong điều kiện tình hình tài chính thế giới đang biến đổi nhanh và có những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới việc kiểm soát lạm phát trong năm nay cũng như năm sau. Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực không tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) cũng như một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như xăng dầu, tuy nhiên điều này không thể kéo dài nếu giá dầu thô quốc tế biến động.

Hơn nữa, việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái vừa qua và có khả năng tỷ giá chưa ngừng biến động đang tác động đến giá bán lẻ nhiều mặt hàng nhập khẩu như thuốc men, nguyên liệu sản xuất đầu vào. Độ trễ của tác động này là chưa thể đo lường. Chưa kể quỹ bình ổn xăng dầu chỉ còn hơn 2.000 tỉ đồng, liệu có thể cáng đáng việc bình ổn giá xăng dầu bán lẻ được mấy tháng nữa một khi giá năng lượng quốc tế đang thay đổi do căng thẳng địa chính trị tại Iran.

Trong khi đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước vẫn chưa được cải thiện về tiến độ. Theo Công văn 8979/BTC-ĐT ngày 31-7-2018 của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách, ước bảy tháng đầu năm mới giải ngân được tổng cộng 150.455 tỉ đồng, bằng 37,64% kế hoạch Quốc hội giao. Đặc biệt nguồn vốn trái phiếu chính phủ mới thanh toán được 7.611 tỉ đồng, đạt 15,22% chỉ tiêu Quốc hội giao. Trái phiếu chính phủ huy động những năm trước và năm nay tiếp tục ứ đọng và đang dềnh lên, đến mức Bộ Tài chính phải điều chỉnh tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại về gửi ở NHNN. Báo cáo tài chính bán niên của các ngân hàng như BIDV, VietinBank, Vietcombank đều cho thấy số dư cuối kỳ tiền gửi của kho bạc và tiền một số đơn vị vay của Bộ Tài chính (như BIDV) đều giảm mạnh. Các ngân hàng lớn đã bị rút bớt một nguồn vốn huy động giá rẻ và việc này sẽ đẩy giá thành vốn huy động bình quân của họ tăng lên. Dù muốn hay không, các ngân hàng sẽ khó duy trì mặt bằng đầu ra thấp trừ các lĩnh vực ưu tiên như quy định. 

Trao đổi với người viết bài này, các ngân hàng cổ phần lớn như Quân đội, VPBank, Sacombank và bốn ngân hàng quốc doanh, nửa quốc doanh cho biết hạn mức tín dụng chỉ còn ít (tổng cộng cả bảy tổ chức tín dụng trên còn khoảng 70.000-75.000 tỉ đồng hạn mức cho vay cho nửa cuối năm). Đến hết tháng 7-2018, Vietcombank đã giải ngân gần như xong hạn mức của năm nay. Do vốn cho vay còn ít, các ngân hàng nhấn mạnh sẽ tập trung tín dụng cho khách hàng cá nhân do độ rủi ro thấp và lãi suất cho vay khá linh hoạt.

Những ngân hàng nào đã sử dụng hết hạn mức tín dụng hoặc trót cho vay vượt hạn mức (tăng trưởng tín dụng của Tiền Phong Bank là 16% trong nửa đầu năm, vượt hạn mức) sẽ phải kéo sự tăng trưởng về đúng chỉ tiêu được giao, nghĩa là tập trung thu hồi nợ và không cho vay thêm trừ khi khách hàng trả nợ trước hạn và room tín dụng hở ra.    

Năm nay mới là năm đầu tiên hạn mức tín dụng của các ngân hàng được xác định tối đa 15%. Những năm trước tăng trưởng tín dụng đều rất cao, trên 18%/năm. Nếu tín dụng năm nay không điều chỉnh về mức thích hợp, sự dồn tụ của tín dụng những năm trước sẽ gây sức ép lớn cho việc kiểm soát lạm phát năm 2019. Một phần trăm tăng trưởng tín dụng hiện nay xét về số tuyệt đối lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Trong vòng năm năm qua, số dư tín dụng mà hệ thống ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế đã gần gấp đôi. Đến cuối tháng 5-2018, theo số liệu của NHNN, số dư tín dụng toàn ngành đã đạt 6,723 triệu tỉ đồng. Tín dụng ngân hàng đang phải gánh vác cả trọng trách của đầu tư công, của giải ngân vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách. Sự lệch vai này cần phải được điều chỉnh ngay và điều chỉnh cấp tốc nếu không muốn hệ thống ngân hàng lặp lại vết xe đổ của bài học nợ xấu đã từng xảy ra. Và lần này, nếu có nợ xấu, thì quy mô của nó sẽ lớn hơn nhiều quy mô nợ xấu trong quá khứ.      

Hải Lý

TBKTSG

largeer