Kịch Tết 2018: Tưng bừng và... rưng rưng

Thứ tư, 21/02/2018, 07:33 AM

Vẫn tràn ngập tiếng cười nhân ngày xuân về Tết đến, song kịch Tết 2018 vẫn đầy nước mắt xót xa, thương yêu của nhân tình thế thái lẫn chuyện xã hội đổi thay.

Trong năm, sân khấu kịch nói TP.HCM luôn phong phú thể loại, đề tài và kịch Tết 2018 vẫn giữ nguyên được sự phong phú, đa dạng như vậy.

Đa dạng khóc, cười

Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh vẫn giữ nguyên màu sắc kịch tâm lý xã hội đầy nước mắt với hai vở Sài Gòn có một ngã tư và Giấc mộng vàng son. Trong đó Giấc mộng vàng son được thể hiện dưới hình thức phóng tác chuyện cổ tích Chú Cuội một cách độc đáo. Kịch IDECAF cũng tung ra hai tác phẩm phong cách hài hoạt náo, có nhiều yếu tố phi thực tế với hai vở đầy màu sắc xanh đỏ tím vàng trên sân khấu, đem lại không khí vui tươi, rực rỡ. Đó là Thám tử si tình và Bởi vì ta yêu nhau, cả hai chỉ nói chuyện tình yêu.

Kịch Phú Nhuận vẫn nhấn vào mảng kịch kinh dị với các vở Con trai của chồng tôi, Xác sống, Căn phòng câm lặng. Bên cạnh đó, nghệ sĩ Hồng Vân tiếp tục gia cố cho sân khấu của mình mảng kịch văn học, tâm lý hài như Ngọc lan trong gió, Công chúa Sao Hỏa, Tám Thần Tài, Người lạ ơi, Gia đình bá đạo… Nhà hát Kịch TP.HCM lấy lại phong độ với vở chính kịch Hẻm nhỏ Sài Gòn nhưng tràn đầy tiếng cười và tình huống tâm lý.

Kịch Thế Giới Trẻ - Sài Gòn Phẳng vốn luôn hút khách bởi lối dựng-diễn trẻ trung, sôi động, Tết này cho ra các vở trung thành với màu sắc hài hước, giàu tiếng cười, nhiều nét quậy phá trẻ trung như Bao giờ mẹ lấy chồng, Tình kỹ nữ, Thiên hà hội tụ, Sứ giả thiên đường. Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng dựng bốn vở mới với nhiều thể loại, từ tâm lý xã hội đến hài kịch, kinh dị, liêu trai: Game ơi là show, Thầy giáo ma, Hồn nữ mơ hoang, Chuyến đi tử thần. Sân khấu kịch Nụ Cười Mới cũng góp mặt trong mùa Tết 2018 với sự tất bật chạy nước rút hai vở kịch hài quen thuộc Ai sợ ai, Trăm năm bia đá cũng mòn cùng một số tiểu phẩm hài.

Riêng sân khấu của nghệ sĩ Minh Nhí Tết này không làm kịch dài mà thêm vào màu sắc cho sân khấu Tết những chương trình ca nhạc-hài kịch gồm ca nhạc và những tiểu phẩm hài ngắn.

Diễn viên Quang Thảo và NSƯT Tuyết Thu trong vở  Giấc mộng vàng son dự kiến cháy vé trong đợt Tết này. Ảnh: H.BÌNH

Diễn viên Quang Thảo và NSƯT Tuyết Thu trong vở Giấc mộng vàng son dự kiến cháy vé trong đợt Tết này. Ảnh: H.BÌNH

Trẻ hơn, cảm động hơn

Ấn tượng về kịch Tết năm nay là các vở diễn đều giàu nước mắt, nụ cười và những điều đáng suy ngẫm. Đem lại cảm xúc nhiều nhất cho người xem chính là hai vở diễn Sài Gòn có một ngã tư và Giấc mộng vàng son của Kịch Hoàng Thái Thanh. Người xem khóc òa vì tình người, tình yêu son sắt, cái nghĩa tận cùng của những đôi tình nhân trong vở.

Cũng vậy, xem Hẻm nhỏ Sài Gòn, khán giả cứ rưng rưng vì tình người tràn đầy với nhau ở con hẻm nhỏ. Không chỉ thế, bao nhiêu tình cảm yêu quê hương đất nước cứ dâng tràn trong lòng người với câu chuyện kịch ở cái hẻm nhỏ mà nơi ấy những con người Sài Gòn biết yêu thương từng góc phố, vòm cây, nét sinh hoạt sớm tối nơi mình sinh sống để nó hóa thành hồn phố, hồn nước, hồn người. Qua kịch, người xem cũng phẫn nộ với vấn nạn xã hội vì đồng tiền bất chấp phá bỏ mọi giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử của bao thế hệ ông cha.

 Những vở diễn như Bao giờ mẹ lấy chồng, Thám tử si tình, Bởi vì ta yêu nhau, Con trai của chồng tôi đều gửi gắm những thông điệp về tình yêu chân thành sẽ vượt qua thử thách, trở ngại, cám dỗ để đi đến bến đỗ hạnh phúc. Ở những câu chuyện kịch này còn chứa đựng đầy ắp tình người và những điều đáng suy ngẫm. Cô bảo mẫu Xuân và ông già, chủ một mái ấm tình thương, đã dành cả đời mình cho những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ trong Bao giờ mẹ lấy chồng khiến người xem cảm động. Thằng nhỏ bị bạo hành tàn nhẫn lớn lên thành tội phạm trong Thám tử si tình khiến người xem phẫn nộ những kẻ bạo hành trẻ em, xót xa cho số phận những đứa trẻ bị bạo hành. Cô gái ăn trộm trong Bởi vì ta yêu nhau để lại một bài học về sự bao dung, thấu hiểu trong tình yêu. Cô vợ trong Con của chồng tôi nhắc nhở sự sáng suốt, tỉnh táo, biết bảo vệ mình trong tình yêu cũng như những cái giá sẽ phải trả cho những mưu mô, tội ác.

Điểm đáng chú ý nhất, kịch Tết năm 2018 này đã có sự tham gia dàn dựng, viết kịch bản của nhiều gương mặt trẻ, mới, để lại những dấu ấn sáng giá. Kịch Phú Nhuận có những tác giả, đạo diễn mới, trẻ măng như My Trần với Con trai của chồng tôi; Quỳnh Trâm, Baggio, Xuân Nghị với Căn phòng câm lặng; Phúc Zelo với Tình kỹ nữ ở Thế Giới Trẻ - Sài Gòn Phẳng; Quang Thảo - Ngọc Duyên với Giấc mộng vàng son ở Hoàng Thái Thanh…

Với Giấc mộng vàng son, Quang Thảo đã có một câu chuyện kịch độc đáo, sáng tạo lại rất trữ tình, mượt mà trên cái nền câu chuyện cổ quen thuộc Chú Cuội cung trăng. Cùng với Ngọc Duyên, Quang Thảo đã có bản dựng vở diễn này với những điểm nhấn đáng giá như hình tượng cây đa thay bằng luống hoa đầy ẩn ý. Con trai của chồng tôi tuy còn nhiều chỗ non tay về dựng và diễn nhưng câu chuyện, bản dựng đều có được nét riêng…

Kịch Sài Gòn mất 2 điểm diễn lâu năm

Không tuyên bố rầm rộ, không nói là sẽ từ bỏ hẳn nhưng Tết năm 2018 này cả ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và bà bầu - nghệ sĩ Hồng Vân của Kịch Phú Nhuận đều lặng lẽ đóng cửa, không sáng đèn tại hai điểm diễn đình đám một thời của sân khấu mình. Kịch IDECAF ngưng diễn ở sân khấu Trần Cao Vân tại Nhà văn hóa Thiếu nhi quận 1. Sân khấu Phú Nhuận ngưng diễn ở sân khấu Superball nằm trong khu thương mại Superball trên đường vào sân bay. Lý do ngưng diễn là do sân khấu bị mất quá nhiều khán giả và nghệ sĩ cho game show, các ông bà bầu bù lỗ không nổi. Việc sáng đèn trở lại hay đóng cửa luôn vẫn còn để ngỏ.

Dàn diễn viên xuất sắc

Năm nay, kịch Tết quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ gạo cội như Thành Hội, Ái Như, Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Minh Nhí, Lê Khánh, Tuyết Thu, Hồng Ánh, Phương Mai… Bên cạnh đó là những diễn viên trẻ sáng giá, nổi tiếng như Hoàng Vân Anh, Đoàn Thanh Tài, Thu Trang, Tiến Luật… Ngoài ra còn có rất nhiều gương mặt diễn viên trẻ có mặt ở các vở kịch Tết của nhiều sân khấu với diễn xuất tốt như Dương Cường, Thuận Nguyễn, Thế Hải…

HÒA BÌNH

Theo PLTP

largeer