Kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” - 18 năm sức hút không giảm

Thứ bảy, 09/06/2018, 09:49 AM

Trong hè này, chương trình kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” thứ 31 sẽ công diễn vở diễn mới với tên gọi “Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với cây Đèn Thần của Aladin nữa đó”. Suốt 18 năm qua, bằng những giá trị nhân văn được kết nối qua nhiều thế hệ, kịch “Ngày xửa ngày xưa” vẫn luôn là chương trình đặc sắc và thu hút được nhiều đối tượng khán giả khác nhau.

Không chỉ dành cho thiếu nhi

“Ngày xửa ngày xưa” là chương trình do sân khấu Idecaf thực hiện nhằm phục vụ đối tượng chính là các em thiếu nhi nhưng trên thực tế khán giả trẻ và khán giả lớn tuổi cũng chiếm một số lượng rất lớn. Sở dĩ đối tượng khán giả được nhân rộng ra là có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, khán giả lớn tuổi là những bậc phụ huynh, ông bà đi cùng với các em thiếu nhi. Thứ hai, là những khán giả trẻ đã có tuổi thơ gắn liền với “Ngày xửa ngày xưa” và họ xem đây là món ăn tinh thần quen thuộc không thể thiếu, và đối tượng khán giả này cũng chính là minh chứng cho sức hút của chương trình suốt 18 năm qua.

Các vở diễn của “Ngày xửa ngày xưa” đa phần được lấy ý tưởng từ những câu chuyện cổ tích, sau đó cải biên và lồng ghép các vấn đề của xã hội đương đại vào một cách hài hước nhẹ nhàng để vở diễn trở nên gần gũi và thú vị hơn. Chính bởi yếu tố đó mà cả người lớn và trẻ em đều có thể tiếp nhận và thưởng thức được gần như trọn vẹn những thông điệp và giá trị nhân văn của vở kịch.

Dàn diễn viên “hùng hậu” của “Ngày xửa ngày xưa” 31.

Dàn diễn viên “hùng hậu” của “Ngày xửa ngày xưa” 31.

Nghệ sĩ Bạch Long trong vở diễn mới của mùa hè này.

Nghệ sĩ Bạch Long trong vở diễn mới của mùa hè này.

Những vở kịch tồn tại với thời gian

Một vở kịch sân khấu có thể diễn đi diễn lại trong nhiều năm hay nói chính xác hơn là tuổi thọ của vở kịch càng được kéo dài thì đó là vở kịch thành công. Và đối với sân khấu Idecaf thì không chỉ một mà có rất nhiều vở kịch thuộc chương trình “Ngày xửa ngày xưa” được diễn đi diễn lại rất nhiều lần từ năm này sang năm khác. Nổi bật nhất phải kể đến là vở “Tấm Cám”, vở kịch này hiện nay đã được tách ra thành một vở kịch độc lập không còn nằm trong khuôn khổ của “Ngày xửa ngày xưa”, thế nhưng về kịch bản thì vẫn được giữ nguyên 80% so với bản gốc cách đây 18 năm, và “Tấm Cám” cũng chính là vở diễn mở màn cho chương trình kịch sân khấu dành cho thiếu nhi của Idecaf.

Nhắc đến vở diễn “Tấm Cám” thì phải nói rằng dù được diễn đi diễn lại nhiều lần, thậm chí trong một tháng có từ 3-4 suất diễn nhưng để “sở hữu” được một tấm vé xem “Tấm Cám” có khi người xem phải xếp hàng và mua vé trước nửa tháng. Vậy nguyên nhân do đâu mà khán giả lại dành nhiều tình cảm cho một vở kịch đã quá quen thuộc đến như vậy? Ngoài việc biến tấu những câu chuyện cổ tích thân quen thành mới lạ đặc sắc thì các diễn viên của Idecaf chính là những nhân tố “truyền cảm hứng” cho khán giả. Với NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, Bạch Long, Hoàng Trinh, Thanh Thủy, Đình Toàn… chính là đội ngũ diễn viên trong mơ, với nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh sân khấu dày dặn. Chính họ là những người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng chương trình kịch dành cho thiếu nhi và giữ cho nó phát triển đến tận bây giờ.

Các nghệ sĩ: Mỹ Duyên, Hữu Châu, Thành Lộc trong vở “Tấm Cám”.

Các nghệ sĩ: Mỹ Duyên, Hữu Châu, Thành Lộc trong vở “Tấm Cám”.

Nhóm Líu Lo - những nghệ sĩ đã đồng hành cùng “Ngày xửa ngày xưa” suốt một chặng đường dài.

Nhóm Líu Lo - những nghệ sĩ đã đồng hành cùng “Ngày xửa ngày xưa” suốt một chặng đường dài.

Giải trí song hành cùng giáo dục

Khán giả Minh Quốc (quận 3) chia sẻ: “Con tôi năm nay 11 tuổi, cứ mỗi khi được nghỉ hè là cháu hay đòi ba mẹ dẫn đi xem kịch “Ngày xửa ngày xưa”. Bản thân tôi cũng nghĩ nên tìm cho con mình thêm một hình thức giải trí mới ngoài chơi điện tử, đi xem kịch giúp con tôi có dịp gặp gỡ nhiều bạn bè hơn và giúp nó hiểu hơn về cách sống, cách trưởng thành, đối nhân xử thế qua các nhân vật trong những câu chuyện”.

Trong thời đại số hóa, mọi thứ chạy đua theo công nghệ, ngay cả việc giải trí của các em thiếu nhi cũng chỉ là sự quẩn quanh với những thứ máy móc điện tử. Việc được đến nhà hát xem kịch không chỉ giúp các em có cơ hội tiếp cận với bên ngoài, thoát khỏi bốn bức tường sau nhiều ngày học tập mà còn cho các em hiểu thêm về nghệ thuật sân khấu và những bài học mang giá trị nhân văn, nhân đạo trong các câu chuyện cổ tích - vốn được xem là văn minh và tri thức nhân loại.

Đức Tiến - Ảnh: Kichidecaf.vn

39
Theo NTD

largeer