Kiêng kỵ để có chuyến đi biển an toàn

Thứ ba, 20/08/2019, 09:17 AM

Trên bờ thì tránh đi dưới giàn lưới đang phơi, tránh bị lật nón... Ra biển thì kiêng “sập sàn”, không được ngồi ngược hướng thuyền, không làm rớt vật dụng xuống biển... Những kiêng kỵ đó giúp chuyến ra khơi an toàn.

Quà từ biển sau những chuyến đi đánh bắt xa bờ.

Quà từ biển sau những chuyến đi đánh bắt xa bờ.

Ông Phan Phú Tuấn, một ngư dân có thâm niên đi biển ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho biết: “Nghề đi biển ở Đà Nẵng gồm hai hình thức chính là đi khơi và đi lộng. Đi lộng là hình thức đánh bắt gần bờ, thời gian thường bắt đầu từ 17-18h chiều, đến 4-5h sáng ngày hôm sau thì về. Đi khơi thường dành cho các phương tiện đánh bắt lớn, hiện đại. Đi khơi chủ yếu là đi tập thể từ 7-15 người, thời gian mỗi chuyến ra khơi có thể từ 15-20 ngày, có khi cả tháng. Dù đi khơi hay đi lộng thì ngư dân Đà Nẵng đều có những điều kiêng kỵ phần lớn giống nhau”.

Làm nghề biển, sống chung với biển nên những ngư dân Đà Nẵng có đời sống tâm linh phong phú. Khi ra biển, đối diện với những hiểm nguy do thiên nhiên gây ra đã dần dần tạo nên tâm lý kiêng kỵ của người dân miền biển. Mỗi lần giong buồm đi / về, họ luôn cầu nguyện để được an toàn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đồng thời, trong tâm thức của ngư dân Đà Nẵng, họ đã đặt ra rất nhiều kiêng kỵ.

Trước khi ra biển, công việc chuẩn bị lưới, thuyền đều rất quan trọng. Lúc phơi lưới, bặn mành thì người ta cấm tất cả mọi người không được đi qua dưới giàn mành. Khi khiêng giàn lưới xuống ghe thì phải có một người dẫn đường đi trước để tránh có người đi qua trước mặt, kiêng gặp phụ nữ có thai dọc đường.

Những ngư dân đánh cá bằng chiếc thuyền nhỏ ven biển Sơn Trà.

Những ngư dân đánh cá bằng chiếc thuyền nhỏ ven biển Sơn Trà.

Ông Lê Văn Kiến, ngư dân phường Thọ Quang năm nay đã 70 tuổi, có thâm niên đi biển từ khi mới 13 tuổi cho biết: “Ngày xưa, khi đời sống người dân còn nghèo khó, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, ngư dân thường dùng thuyền buồm để ra khơi đánh bắt cá thì họ kiêng kỵ việc cầm nón đi ra thuyền mà bị gió thổi lật nón, vì họ quan niệm rằng, nếu để nón lật thì ra khơi rất nguy hiểm, có khi thuyền bị lật. Cho nên lúc cầm nón họ thường kẹp vào nách để tránh cho nón bị lật. Đồng thời mọi vật dụng trên thuyền đều phải để ngửa chứ không được lật úp lại”.

Con thuyền là phương tiện quan trọng nhất đối với người dân biển. Là nơi cư trú của họ trong những ngày tháng lênh đênh trên biển. Do vậy, tàu thuyền không chỉ là phương tiện đánh bắt trong công cuộc mưu sinh mà còn là mái nhà che chở họ.

Người ta cũng xem tàu, thuyền như một vị thần và có nhiều quan niệm về con thuyền, như: Mũi thuyền là bộ phận quan trọng nhất, tâm linh nhất, thường có vị thần ngự trị cho nên thường tối kỵ với phụ nữ, họ cấm không cho phụ nữ tới gần vì sợ sẽ làm ô uế.

Khi đi biển, họ cũng không thích thuyền của người khác vượt lên trước thuyền mình vì như vậy có nghĩa là những may mắn của chuyến đi đã bị thuyền kia lấy mất. Ngư dân cũng kiêng cữ việc “sụp sạp” trên tàu (sạp là một tấm ván trên tàu). Ngư dân quan niệm nếu đi trên ván mà bị sụp chân xuống thì chuyến đi biển đó sẽ “xôi hỏng bỏng không”.

Khi đi ra biển, người ngồi ở mũi thuyền phải hướng mặt nhìn về phía trước, không được ngồi quay mặt về phía sau, bởi việc làm đó đồng nghĩa với sự tiếc nuối, lưu luyến, vĩnh biệt đất liền... họ sợ sẽ gặp nhiều bất trắc.

Khi đã ra ngoài khơi thì người ta kiêng không để vật dụng trên thuyền rớt xuống biển, bởi sợ để vật rơi xuống biển thì bị chìm thuyền. Dù đồ vật có bị hỏng hay bể thì cũng để lại trên thuyền mang về.

Lễ cúng đầu năm của ngư dân vùng biển Đà Nẵng cầu cho mưa thuận gió hòa vươn khơi gặp nhiều may mắn.

Lễ cúng đầu năm của ngư dân vùng biển Đà Nẵng cầu cho mưa thuận gió hòa vươn khơi gặp nhiều may mắn.

Có nơi như ở làng biển Thọ Quang (quận Sơn Trà), ngư dân quan niệm không bao giờ được để dao rớt xuống biển vì như vậy sẽ làm tổn hại đến Bà Thủy và sợ Bà nổi giận gây trở ngại cho họ trong những ngày hành nghề trên biển. Nếu lỡ đã để dao rơi xuống nước thì người ta quay trở về mua lễ vật mời thầy cúng để xin lại con dao và cầu mong Bà bỏ qua cho sự sơ sẩy đó.

Đặc biệt trong tình cảm vợ chồng, sự chung thủy của người vợ ở nhà có chồng đang đánh bắt cá ở ngoài khơi cũng rất quan trọng. Nếu người vợ ở nhà giữ mình “trong sạch”, thủy chung với chồng thì người chồng mới vượt qua những hiểm nguy luôn rình rập trên biển, an toàn trở về. Quan niệm này cũng tồn tại ở một số nước như Ấn Độ, Mã Lai.

Khi đi nghề lưới đăng hay nghề lưới cào ra biển, khi gặp phải đàn cá heo, họ sẽ dùng chiếc đũa chỉ ra hướng khác, nếu đàn cá đi theo hướng đũa chỉ thì không sao, nếu đàn cá vẫn đi theo thuyền thì ngư dân cho rằng đã gặp “trời đuổi rồi”, người ta sẽ quay thuyền trở về. Đối với họ, cá voi là con vật linh, là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm tin... bởi cá voi luôn chỉ đường dẫn lối cho những người lênh đênh trên biển khi gặp sóng to, gió lớn hay gặp hoạn nạn nên họ tôn kính “ngài” như một vị thần hộ mạng.

Tới giờ nấu cơm thì ai được phân công cứ tự động làm chứ không được nói. Làm cá thì không được chặt đuôi bởi vì họ quan niệm là cá có đuôi mới bơi được, nếu chặt mất đuôi thì sợ sẽ không đánh được cá. Không được vứt đầu cá, ruột cá xuống biển vì sợ nếu làm như vậy thì sẽ cắt đứt nguồn cá. Người đầu bếp không được lấy tay chống cằm vì hành động này biểu hiện sự buồn chán nên dễ gặp vận xui.

Cuộc sống lênh đênh của những ngư dân trên biển cả bao la có lúc xui xẻo cũng gặp những sự cố đã tạo nên tâm lý kiêng kỵ để mong có được những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió.

Thế Sơn - Văn Chung

Theo NTD

largeer