Kinh tế năm 2018: Hứng khởi lớn, thách thức nhiều

Thứ năm, 22/02/2018, 09:06 AM

Năm 2017 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam khi lần đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Bức tranh kinh tế 2017 với rất nhiều điểm sáng nhờ những cải cách hiệu quả trong nỗ lực xây dựng một nhà nước kiến tạo của Chính phủ…

Hệ lụy từ các chính sách sai lệch từ BOT hay nền kinh tế gia công thấp, xuất khẩu hộ đe dọa sự phát triển bền vững của Việt Nam. Ảnh minh họa

Hệ lụy từ các chính sách sai lệch từ BOT hay nền kinh tế gia công thấp, xuất khẩu hộ đe dọa sự phát triển bền vững của Việt Nam. Ảnh minh họa

Song, theo các chuyên gia, mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo được yếu tố bền vững cho năm 2018 và các thách thức cho kinh tế Việt Nam năm 2018 còn rất lớn, trong đó vấn đề gây nhiều lo ngại nhất là hệ quả BOT và nền kinh tế gia công, xuất khẩu hộ.

Tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo bền vững cho năm 2018

Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, năm 2017 được đánh giá là năm tương đối thành công của kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn mức mục tiêu được đặt ra từ đầu năm; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với 7,85%; khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản thể hiện sức bật tốt hơn với mức tăng 2,9%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ổn định đạt 7,4%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 đạt 3,53%, thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra là 4%. Tín dụng tăng trưởng đạt 18,17% và có sự ổn định. Thu hút FDI đạt gần 36 tỷ USD...

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, kết quả tăng trưởng năm 2017 đạt được một phần nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp… 

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định; tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức, do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến hơn; trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp; Việt Nam có thể phải phòng ngừa rủi ro dòng vốn nước ngoài đảo chiều, gây áp lực đối với tỷ giá và cán cân thanh toán. 

Ngoài ra, rủi ro tụt hậu về công nghệ sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không có các hành động cụ thể nhằm đón đầu cơ hội và xử lý thách thức từ cuộc khoa học công nghệ lần thứ tư; đồng thời, khả năng chống chịu trước các cú sốc bất lợi ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc chủ yếu vào dư địa chính sách tiền tệ, độ quyết liệt trong ứng phó của Việt Nam.

Từ nhận định trên, ông Nguyễn Anh Dương dự báo, tăng trưởng năm 2018 dự kiến đạt 6,58%, thấp hơn mức tăng trưởng 6,81% của năm 2017; tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 so với năm 2017 khoảng 3,74%.

Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế- Xã hội Quốc gia cũng cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo được yếu tố bền vững cho năm 2018. Nguyên nhân là do những chính sách thiếu ổn định, khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều thách thức lớn “tồn đọng” cần giải quyết

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM cho biết: Xét về khía cạnh của đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT), năm 2018 chúng ta vẫn sẽ phải giải quyết các vấn đề nóng. Chính sách về BOT như chỉ định đầu tư, cho thu phí đường này để bù đường khác, cho trải thảm đường BOT mới trên con đường cũ có thể nói là sai từ đầu, chứ không phải giữa chừng.

Ông Cung cho rằng: “Khi huy động tư nhân đầu tư BOT đáng lẽ ra chỉ nên coi đây là hình thức bổ sung cho ngân sách, chứ không thể thay thế ngân sách, cho Nhà nước được. Tuy nhiên, nhiều nơi chúng ta làm thay thế, như vậy là sai”.

Ông Cung cho biết, phí BOT như hiện nay phải rõ ràng là bán dùng cái gì thì người dân trả phí cái đó, không thể bắt người dân trả tiền thứ người ta không dùng. Trong ngành giao thông dùng từ thuật ngữ trong phạm vi dự án - đây là thuật ngữ tù mù, sai lệch gây tác động xấu.

Cũng với góc nhìn về năm 2018, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Năm 2017, chúng ta có điểm nóng BOT, đất đai. Rồi tăng trưởng như vậy, lợi ích cho người lao động được bao nhiêu. Rồi thách thức giữa DN với người lao động, chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước với DN. Bên cạnh đó việc đề xuất tăng thuế, phí bị phản đối nhiều nhưng có lẽ ngành tài chính vẫn muốn thu thêm cũng gây lo ngại đến tâm lý xã hội.

Đặc biệt, năm 2018, một trong những điều nên quan tâm quy luật chu kỳ 10 năm của nền kinh tế được lặp lại, các cú sốc nền kinh tế năm 2018-2019 có trở lại như chu kỳ 2008 - 2009 hay không? Kinh tế Việt Nam còn nhiều mặt yếu kém nên cần cảnh giác.

Chuyên gia Phạm Chi Lan lo: “Năm 2017 tôi vẫn lo ngại về thành tích xuất khẩu. Tôi rất sợ nói Việt Nam đã xuất siêu, Hàn Quốc bao nhiêu năm người ta mới nói họ là nước xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu xuất phát từ làm gia công, công nghiệp phụ trợ chưa đóng góp được ngành công nghiệp trong nước. Nhất là thành tích đó nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài”.

Bà Lan lo ngại, ở một số nước, tính xuất khẩu 50% giá trị gia tăng là của nước nào thì mới tính cho đất nước đó, Việt Nam làm gia công 70% cho bên ngoài nên chúng ta được xem là xuất khẩu hộ. Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề này để không bị chạy theo thành tích ảo, không thực chất của nền kinh tế.

Cũng theo bà Lan, vấn đề sản xuất nhờ, xuất khẩu hộ cần được nghiên cứu, vạch ra để người làm chiến lược chính sách lâu dài nhìn thấy. Có thành tích không bằng bảo nhau những điều thực chất của nền kinh tế hiện nay.

Anh Vũ

Theo PLTP

largeer