Kinh tế số và cơ hội từ công nghệ di động

Thứ bảy, 07/04/2018, 10:02 AM

Ngày 6-4, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế 4G/5G 2018 với chủ đề “Thúc đẩy phát triển kinh tế số trên nền tảng băng thông rộng - Tầm nhìn và giải pháp”.

Empty

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với sự hội tụ của các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực số hóa, vật lý và sinh học tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới trong sản xuất và kinh doanh, tác động sâu sắc tới nền kinh tế.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia. “Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ TT-TT sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển và ứng dụng các dịch vụ, công nghệ tiên tiến vì sự phát triển chung của ngành, của các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế, lợi ích quốc gia”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định.

Thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm vừa qua tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành viễn thông nói riêng và nền kinh tế nói chung. Năm 2017, các nhà mạng lớn đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ viễn thông 4G, trong tương lai gần là dịch vụ 5G, sự phát triển của các công nghệ này sẽ đặt ra những yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao, nhu cầu kết nối IoT với số lượng truy cập lớn.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông và CNTT đã và đang có bước chuyển mình phù hợp, đồng thời có những phương án đầu tư mang tính chiến lược để nắm lấy cơ hội và tận dụng ưu thế về công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà đột phá cho cả hệ sinh thái của nền kinh tế số phát triển.

Hiện tại, Viettel đã phủ sóng 4G tới 99% quận huyện trên cả nước, VinaPhone và MobiFone cũng đã tăng cường nhiều trạm thu phát sóng 4G tại các quận huyện trung tâm trên toàn quốc. Chỉ trong 18 tháng triển khai chính thức, mạng 4G đã đạt độ phủ 95% dân số và 71,26% diện tích lãnh thổ Việt Nam. Về tốc độ, Việt Nam đang đứng thứ hai trong khu vực ASEAN, sau Singapore với tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống của mạng 4G tại Việt Nam là 35 - 37 Mbs (cao gấp 3,5 đến 4,5 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện tại)… 

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, sự lớn mạnh nhanh chóng của hạ tầng mạng 4G trong năm qua cũng như tiềm năng của thị trường 4G trong một vài năm tới đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng 4.0 phát triển mạnh mẽ như: thanh toán và thương mại điện tử, các ứng dụng phát triển thành phố thông minh, tự động hóa, máy hóa, ảo hóa, dịch vụ nội dung số, dịch vụ truyền hình, nghe nhìn trực tuyến, giáo dục, y tế… Quan trọng hơn, tất cả những công nghệ và dịch vụ đó đều hoạt động và kết nối dựa trên nền tảng CNTT và viễn thông.

Trong đó, mạng 3G, 4G và sắp tới là 5G được xem là trụ cột, nền tảng của cuộc CMCN 4.0. Đây cũng được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ nhà mạng viễn thông, đến các nhà phát triển nội dung số và hệ sinh thái di động và cả những nhà sản xuất thiết bị đầu cuối viễn thông, IoT. Theo ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam và khu vực Đông Dương, smartphone là ngành công nghiệp rất lớn trên thế giới. Hiện khoảng 4 - 5 nhà sản xuất lớn trên thế giới nắm hơn một nửa thị trường toàn cầu. Để trở thành một nơi sản xuất nhiều thương hiệu smartphone lớn trên thế giới, Trung Quốc đã mất 10 - 15 năm mới đạt được. Xu hướng chuyển dịch từ những trung tâm công nghệ đầu tiên xuất phát từ Mỹ, Nhật, châu Âu đến Hàn Quốc, Đài Loan rồi đến Trung Quốc, nhưng hiện tại xu hướng là tại Việt Nam.Việt Nam đang từng bước trở thành một trung tâm lớn của thế giới về sản xuất smartphone và sự hiện diện của các nhà máy Samsung là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, trong khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối, tổ chức kết nối với các đối tác thế giới…

Việt Nam còn phụ thuộc nước ngoài rất lớn. Hiện tại, Qualcomm là đối tác bản quyền và hỗ trợ nghiên cứu sản xuất với VNPT, Viettel và Bkav. Qualcomm sẵn sàng hỗ trợ cho các công ty Việt Nam tham gia vào việc thiết kế, sản xuất các thiết bị, xuất khẩu ra thế giới.

Đó cũng chính là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp di động của mình cũng như những ngành nghề liên quan trên nền tảng viễn thông mới nhất. Những công nghệ vừa là nền tảng, nhưng cũng chính là công cụ để hiện thực hóa kinh tế số hiện nay.

Trần Lưu

Theo SGGP

largeer