Kinh tế toàn cầu bấp bênh

Thứ tư, 15/05/2019, 09:29 AM

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hôm 13-5 tuyên bố sẽ tổ chức điều trần về việc đánh thuế với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 17-6 liên quan đến danh sách 3.805 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể bị áp thuế lên đến 25%.

Ảnh chụp tại cảng Dương Sơn, TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 10-5 Ảnh: BLOOMBERG

Ảnh chụp tại cảng Dương Sơn, TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 10-5 Ảnh: BLOOMBERG

Những ý kiến phản bác cuối cùng về đề xuất trên sẽ được thảo luận trong vòng 7 ngày, kể từ ngày điều trần kết thúc. Sau đó, Tổng thống Trump sẽ đến Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản vào ngày 28 và 29-6, nơi ông dự kiến có cuộc gặp bên lề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo Reuters, kế hoạch tính toán thời gian thảo luận đề xuất áp thuế nói trên có thể cho phép ông Trump kịp kích hoạt lệnh áp thuế mới vào thời điểm tham dự G20.

Tổng thống Trump cho biết ông vẫn chưa quyết định liệu có nên tăng thuế hay không, song chính quyền của ông đã bắt đầu quá trình này. Nếu lệnh áp thuế mới được kích hoạt, nó sẽ khiến gần như toàn bộ hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế nặng nề, trong đó có điện thoại, máy tính xách tay, quần áo, đồ chơi... Nhóm sản phẩm ít ỏi không bị đánh thuế bao gồm "dược phẩm, một số dược chất, dụng cụ y tế, vật liệu đất hiếm và các khoáng chất quan trọng".

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cảnh báo rằng hai bên sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu thương chiến leo thang căng thẳng. Theo AP, nông dân Mỹ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đặc biệt là đậu tương, là một trong những nhóm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. "Sự kiên nhẫn của chúng tôi suy giảm, tài chính đang bị ảnh hưởng. Suốt nhiều tháng qua, chúng tôi phải sống trong căng thẳng vì hậu quả của cuộc chiến áp thuế" - Hiệp hội Đậu tương Mỹ hôm 13-5 tuyên bố. Tổng thống Trump cùng ngày cho biết chính quyền của ông sẽ hỗ trợ 15 tỉ USD cho những nông dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không tiết lộ các biện pháp cụ thể.

Theo báo South China Morning Post, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dự kiến đến Bắc Kinh trong vài tuần tới để tiếp tục đàm phán. Mặc dù vòng đàm phán tại Washington diễn ra vào ngày 10-5 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, ông Trump vẫn bày tỏ sự lạc quan đối với vòng đàm phán sắp tới, nói rằng ông "có cảm giác là nó sẽ rất thành công".

Trong khi đó, hàng loạt công ty xuất khẩu Trung Quốc hôm 14-5 khẳng định nếu được thực hiện, đề xuất đánh thuế bổ sung của Tổng thống Trump sẽ "giết chết thị trường Mỹ". "Các sản phẩm của chúng tôi đang chịu thuế 12%-15%. Nếu thuế tăng lên 25%, lợi nhuận của chúng tôi sẽ không còn" - bà Anna Kam, Chủ Công ty Xuất khẩu Sky City 2K, chia sẻ.

Theo giới chuyên gia, sự leo thang căng thẳng của chiến tranh thương mại sẽ gây tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã bốc hơi hơn 1.100 tỉ USD giá trị vốn hóa trong phiên giao dịch hôm 13-5 khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, theo Reuters.

"Thị trường đang xem đây là một sự sụp đổ hoàn toàn của đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Tình hình có thể diễn biến rất tệ. Có nhiều sự bấp bênh. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại" - ông Michael O’Rourke, Công ty Chứng khoán JonesTrading (Mỹ), nhận định. 

Cao Lực

Theo nld.com.vn

largeer