Kỳ vọng từ công trình trọng điểm

Thứ năm, 22/02/2018, 09:05 AM

Sau Tết nguyên đán, nhiều công trình trọng điểm được các địa phương khẩn trương triển khai với kỳ vọng tạo sắc diện mới cho phát triển đô thị, kinh tế - xã hội ở các vùng miền

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến metro, ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2018, TP HCM gấp rút triển khai nhiều dự án quan trọng, trong đó có dự án xây dựng đường Vành đai 3.

Đường Vành đai 3: Kết nối cả vùng

Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 đã được Chính phủ phê duyệt và cập nhật có tổng chiều dài khoảng 89,3 km, trong đó 73 km sẽ làm mới. Tuyến đường này đi qua địa phận TP HCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Điểm đầu của tuyến từ huyện Bến Lức (tỉnh Long An), chạy dọc theo dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), Tân Vạn, Bình Chuẩn (tỉnh Bình Dương), Quốc lộ 22 (TP HCM) và quay lại tại huyện Bến Lức. Khi hoàn thành, tuyến Vành đai 3 không chỉ giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường xuyên tâm tại TP HCM, giảm kẹt xe mà còn tạo đà phát triển kinh tế vùng TP HCM cùng các địa phương lân cận.

Dự án được chia làm 4 đoạn, trong đó hiện chỉ có đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn) dài 16,3 km, trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, cơ bản đang khai thác.

Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị thay mặt Bộ Giao thông Vận tải - GTVT - quản lý dự án), những đoạn còn lại của dự án, gồm 1, 3 và 4 thực sự cần thiết phải nhanh chóng đầu tư. Các đoạn khi hoàn thành sẽ kết nối nhiều tuyến đường vành đai của TP HCM gồm các quốc lộ 1, 13, 22, 1K, cùng các tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây..., rút ngắn thời gian đi lại và giảm ùn tắc giao thông.

Đại diện đơn vị trên cho biết thêm đoạn 1 của dự án (Nhơn Trạch - Tân Vạn), dài 26,3 km, hiện Bộ GTVT đã lập nghiên cứu khả thi và giai đoạn 1 đã phê duyệt cho 2 dự án thành phần, gồm 1A và 1B. Trong đó, đoạn 1A (từ Tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) có chiều dài khoảng 8,7 km, dự kiến sử dụng vốn vay ODA từ Hàn Quốc, kinh phí đầu tư khoảng 191 triệu USD. Còn đoạn 1B (từ cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Thủ Đức), dài 8,96 km, đầu tư theo hình thức BOT, tổng kinh phí khoảng 3.931 tỉ đồng. Phương án đưa ra là khi hoàn thành, nhà đầu tư sẽ thu phí ở cả đoạn 1A và 1B.

Đoạn 2 của dự án đường Vành đai 3 (dài 16,3 km), trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, cơ bản đang khai thác Ảnh: GIA MINH

Đoạn 2 của dự án đường Vành đai 3 (dài 16,3 km), trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, cơ bản đang khai thác Ảnh: GIA MINH

Riêng giai đoạn 2, các dự án thành phần 2A (từ Nhơn Trạch đến Tỉnh lộ 25B) và 2B (từ cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến Tân Vạn) hiện Bộ GTVT chưa phê duyệt dự án, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, đối với đoạn 3 (Bình Chuẩn - Quốc lộ 22), dài 17,5 km, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đưa ra dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 vào khoảng 10.784 tỉ đồng theo hình thức BOT. Phương án tài chính đưa ra là cần sự hỗ trợ từ nhà nước khoảng 4.808 tỉ đồng, trong đó Bộ GTVT sẽ bố trí khoảng 1.000 tỉ đồng, còn lại là TP HCM và Bình Dương. Tuy nhiên, đơn vị trên cho biết với khoảng 6.000 tỉ đồng còn lại nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn nên đang tính việc chia thành từng phân đoạn đầu tư nhằm giảm số vốn.

Với đoạn 4 của dự án Vành đai 3 (Quốc lộ 22 - Bến Lức), dài 29,2 km, có mức đầu tư vào khoảng 10.555 tỉ đồng. Bộ GTVT giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long làm chủ đầu tư bước nghiên cứu lập dự án khả thi bằng vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Còn với công tác chuẩn bị vốn cho xây lắp, ADB dự kiến sẽ tài trợ 287 triệu USD để xây dựng từ năm 2020.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều dự án lớn

Sau nhiều lần thất hứa, dự kiến ngày mai (23-2), Tập đoàn Siam Cement (SCG) Thái Lan sẽ khởi công xây dựng dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam (tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu). Đây là tổ hợp hóa dầu độc lập đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn với công suất lên đến 1,6 triệu tấn olefin/năm, tổng mức đầu tư ước tính 5,4 tỉ USD.

Dự án này được cấp phép từ năm 2008, sau nhiều lần điều chỉnh được nâng vốn đầu tư lên khoảng 5,4 tỉ USD, do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) làm chủ đầu tư. Tổ hợp dự án có tổng diện tích trên 460 ha, nằm trong KCN Dầu khí Long Sơn, trong đó 398 ha xây dựng nhà máy (bao gồm 10 nhà máy, công suất chế biến 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm) và 66 ha đất xây dựng cảng, kho chứa hàng, nhà máy điện... Theo kế hoạch, thời gian xây dựng dự án kéo dài 4 năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2020.

Ngoài dự án trọng điểm trên, từ đầu năm 2018, Bà Rịa - Vũng Tàu đã khánh thành, đưa vào hoạt động 2 cảng biển là cảng quốc tế Thị Vải (huyện Tân Thành) với công suất 3,5 triệu tấn/năm. Đây là dự án liên doanh của 5 nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, phía Việt Nam có 2 nhà đầu tư góp vốn là Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty CP Dịch vụ Vận tải biển Vũng Tàu.

Trước đó, ngày 17-1, Công ty CP Dịch vụ Hàng hải - Dầu khí Hưng Thái đã khánh thành cảng dịch vụ tổng hợp Hưng Thái, cũng tại huyện Tân Thành, với tổng vốn đầu tư 350 tỉ đồng. Dự án nhà máy xử lý bụi lò Zinc Oxide tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 do Công ty CP Zinc Oxide Việt Nam (ZOCV) làm chủ đầu tư cũng được khởi công xây dựng ngày 23-1 vừa qua và sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ đầu tháng 3 tới đây.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thu hút khoảng 100 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 3 tỉ USD và 100 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký 50.000 tỉ đồng. Năm 2018, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 20 dự án FDI và 30 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn 1,2 tỉ USD và 30.000 tỉ đồng.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng những dự án lớn trên góp phần tạo ra bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như khu vực Đông Nam Bộ. 

Thanh Hóa: Sắp khởi công dự án gần 2,8 tỉ USD

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong quý I /2018, dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2 có mức đầu tư lên tới 2,793 tỉ USD sẽ được khởi công xây dựng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa).

Dự án do tổ hợp nhà thầu đầu tư Marubeni - KEPCO (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, công suất 1.200 MW. Đây là dự án được triển khai bằng hình thức BOT. Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết đây là dự án có mức đầu tư lớn nhất vào tỉnh Thanh Hóa trong năm 2018 và là dự án lớn thứ 2 được đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn, sau đại dự án 9 tỉ USD của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. "Hiện hợp đồng BOT, bảo lãnh cam kết của Chính phủ, cơ chế ngoại hối, thỏa thuận đầu tư đã hoàn thành. Phía nhà đầu tư đang chuẩn bị thu xếp nguồn vốn để khởi công, chậm nhất là trong tháng 3-2018" - ông Xứng thông tin. Th.Tuấn

Gia Minh - Ngọc Quang

Theo NLD

largeer