Lại "mỏi cổ" ngóng visa cho khách Tây Âu

Thứ bảy, 14/04/2018, 06:53 AM

Không ai phủ nhận hiệu quả thấy rõ của chính sách miễn visa cho khách du lịch 5 nước Tây Âu (gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) thời gian qua. Thế nhưng, chính sách đang triển khai theo kiểu ‘ăn đong’ từng năm một đã gây không ít bất tiện, phiền hà cho du khách, còn doanh nghiệp đón khách cũng chỉ biết ‘kêu trời’.

Khách từ 5 nước Tây Âu thường nghỉ dài, chi tiêu cao, ý thức tốt, thế nên việc miễn visa cho khách đến từ 5 thị trường này là việc nhẽ ra nên làm từ lâu. Ảnh: PV

Khách từ 5 nước Tây Âu thường nghỉ dài, chi tiêu cao, ý thức tốt, thế nên việc miễn visa cho khách đến từ 5 thị trường này là việc nhẽ ra nên làm từ lâu. Ảnh: PV

Vướng visa, khách “ngại” Việt Nam

Không chỉ đề xuất kéo dài thời gian miễn visa cho 5 thị trường khách Tây Âu, ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vitours – cho rằng, nên “tháo khoán” cho khách từ Châu Âu nói chung, Tây Âu nói riêng và nhiều thị trường trọng điểm khác như Australia, Canada, New Zealand…

Theo ông Tùng, khách từ 5 nước Tây Âu thường nghỉ dài, chi tiêu cao, ý thức tốt, thế nên việc miễn visa cho khách đến từ 5 thị trường này là việc nhẽ ra nên làm từ lâu. Dòng khách này đóng góp ổn định cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, do đó nên có chính sách lâu dài chứ không nên tạm thời, nhỏ giọt như hiện nay.

“Nếu không làm nữa thì dừng hẳn, còn nếu vẫn gia hạn thì phải thông báo sớm cho doanh nghiệp. Bởi thị trường Châu Âu là thị trường xa, khách có kế hoạch đi dài, đi trước chứ không giống như các thị trường khác” – ông Tùng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, Trưởng phòng Tiếp thị & Truyền thông Công ty Vietrantour Lê Công Năng phân tích: Nhiều đoàn khách 5 nước Tây Âu chắc chắn sẽ gặp khó khi lên kế hoạch du lịch Việt Nam vì phải chờ gia hạn miễn visa. Thông thường, khách du lịch ở các nước Châu Âu lên kế hoạch cho chuyến đi trước từ 6 tháng đến 1 năm. Vướng visa, khách sẽ tạm dừng kế hoạch du lịch Việt Nam ít nhất là đến hết ngày 30.6.

Như vậy, có thể thấy chính sách miễn thị thực 1 năm khiến Việt Nam mất đi lượng khách không nhỏ. Thêm vào đó, việc gia hạn miễn visa tiếp theo thường “sát nút” mới công bố sẽ khiến các doanh nghiệp bị động khi xúc tiến, thậm chí bị hủy hợp đồng ngay khi chính sách miễn visa không còn…

Ngoài ra, các doanh nghiệp đều cho rằng, quy định thời hạn được miễn thị thực không quá 15 ngày cũng vô tình làm thay đổi xu hướng đặt tour của khách. Hầu hết các tour xuyên Việt, khám phá di sản, cảnh quan của Vietrantour đều từ 17-18 ngày. Trong khi đó, Việt Nam chỉ miễn visa không quá 15 ngày khiến công ty phải đưa ra gói sản phẩm từ 1-6 ngày, đồng thời điều chỉnh lịch trình khám phá các điểm được công nhận di sản thế giới của Việt Nam gói gọn trong 14 ngày nhằm đảm bảo sức khỏe và đáp ứng yêu cầu của du khách.

Có khoảng 40% số khách đặt tour trên 15 ngày chuyển sang tour dưới 15 ngày. Với mức chi tiêu trung bình 87USD/ khách/ngày, tổng chi tiêu trung bình đạt khoảng 1.300USD trong 15 ngày tour thì việc khách chuyển sang tour ngắn cũng gây thiệt hại không nhỏ cho công ty, cho ngành du lịch.

Còn ông Đặng Xuân Sơn, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Dấu chân (Footprint Viet Nam Travel) đánh giá: Chính sách miễn visa 1 năm với 5 thị trường Tây Âu gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong nước cũng như đối tác quốc tế đưa khách đến Việt Nam, nhất là khi thời điểm hết hạn miễn visa đã cận kề. Trong trường hợp này, doanh nghiệp buộc phải giải thích nước đôi với du khách, không ít du khách “bực mình” với sự bất tiện này.

Hầu hết các đơn vị lữ hành đón khách quốc tế đều cho rằng để các chính sách thúc đẩy du lịch phát huy hiệu quả, cần điều chỉnh hiệu lực của chính sách miễn visa từ 3-5 năm. Thời hạn lưu trú không quá 30 ngày, đồng thời miễn visa chặng 2 cho khách vào Việt Nam sau khi sang nước khác rồi quay lại Việt Nam để trở về nước.

Ngoài ra, cần thông báo sớm cho các công ty lữ hành trước 6 tháng trước khi chính sách có hiệu lực để họ lên phương án chào hàng kịp thời…

“Nút cổ chai” bao giờ hết thắt?

Mới đây, tại một hội thảo bàn về những vấn đề tái cơ cấu để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tiến sĩ Lương Hoài Nam – Phó Tổng Giám đốc Vietstar Airlines, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam – đã thẳng thắn: Ngành du lịch Việt Nam bị kìm hãm, thậm chí bị vô hiệu hóa bởi nhiều “nút cổ chai”, trong đó có “nút” visa chưa được thông thoáng.

Việt Nam hiện miễn visa du lịch cho công dân 23 nước, ít hơn nhiều so với Thái Lan (miễn 61 nước), Malaysia (miễn 155 nước), Singapore (miễn 158 nước), Indonesia (miễn 169 nước), Brunei (58 nước)… Visa điện tử, visa cửa khẩu của nước ta cũng hạn chế.

“Nếu Việt Nam không mở được nhiều như các nước khác thì chí ít cũng phải bằng được Thái Lan…” – ông Nam đề xuất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đã nhiều lần khẳng định: Miễn visa thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam. Việc cấp visa điện tử cũng là một bước tiến của Việt Nam nhưng đó chỉ là công cụ để thực hiện nhanh hơn, dễ hơn thủ tục cho du khách chứ không thể thay thế được việc miễn visa.

Báo cáo tác động của việc miễn thị thực ở ASEAN của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới cho thấy: Việc miễn thị thực sẽ làm số khách du lịch tăng thêm 3-5,1%. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nên mở rộng diện miễn visa cho các thị trường có mức chi tiêu bình quân lượt khách cao trên 1.300 USD như Châu Âu, Australia, Nga, Canada, New Zealand…; mở rộng danh sách cấp visa điện tử cho các nước Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, Ấn Độ…

Đáng buồn là, dù chưa tính đến những thị trường tiềm năng khác, riêng chính sách miễn visa dành cho 5 thị trường Tây Âu – dòng khách “chịu chơi” đem lại nhiều lợi ích cho du lịch Việt Nam vẫn còn “lận đận” và chưa thực sự ổn định khiến nhiều doanh nghiệp như “ngồi trên lửa”, còn khách thì thấp thỏm, e ngại. Vậy thì biết bao giờ du lịch mới thực sự là mũi nhọn?

Thanh Giang

Theo Lao động

largeer