Lại rộ mốt ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu: Cổ đông ngồi “ôm giấy”

Thứ năm, 02/05/2019, 09:27 AM

Sau khi cổ đông phản ứng quyết liệt với việc ngân hàng “chăm chỉ” trả cổ tức bằng cổ phiếu, từ năm 2017 nhiều “nhà băng” chiều cổ đông hơn bằng cách thanh toán cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, trong mùa đại hội cổ đông đang diễn ra năm nay, ngành ngân hàng lại rộ mốt trả cổ tức bằng cổ phiếu. Lý do tăng vốn được đưa ra và chỉ cổ đông là người gánh thiệt thòi.

Nhiều năm nay, ACB không trả

Nhiều năm nay, ACB không trả "tiền tươi thóc thật" cho cổ đông.

Quay về thời kỳ trả cổ tức bằng cổ phiếu

Sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra, ngành ngân hàng “xuống dốc” trông thấy. Lợi nhuận sụt giảm, lương nhân viên bị co kéo và tất nhiên cổ đông cũng phải “chia lửa” khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Thậm chí, có ngân hàng còn “khất” cổ tức hết năm này qua năm khác.

So với cổ đông bị “khất” cổ tức suốt thời gian dài, những ai nhận cổ phiếu cũng được coi là may mắn. Tuy nhiên, khi rót tiền đầu tư vào một cổ phiếu, điều nhà đầu tư mong muốn là giá cổ phiếu tăng và họ được nhận cổ tức bằng tiền mặt. Mong muốn của cổ đông là thế nhưng nhiều ngân hàng vẫn có lý do để chỉ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Kể từ năm 2017, Bộ Tài chính yêu cầu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) phải trả cổ tức bằng tiền mặt thay cho cổ phiếu, bức tranh cổ tức của ngành ngân hàng đã thay đổi rõ nét.

Năm 2017, nhiều ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với tỷ lệ 8%, BIDV tỷ lệ 7%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tỷ lệ 20%. Ngoài ra, VPBank còn chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lên đến 40%...

“Trào lưu” này khiến cổ đông ngành ngân hàng vui mừng vì nhận được “tiền tươi thóc thật” thay vì “giấy”. Thế nhưng, trong mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) năm 2019 đang diễn ra, xu hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu đang quay trở lại mà VietinBank là ví dụ điển hình nhất.

Trước khi ĐHCĐ diễn ra, VietinBank trình cổ đông thông qua 2 phương án. Phương án thứ nhất là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng). Nếu không, VietinBank sẽ để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã gây được sự chú ý khi công bố mạnh tay trả cổ tức. Theo đó, tỷ lệ cổ tức mà nhà đầu tư nhận được sẽ là 30%. Tuy nhiên, cổ đông không được nhận tiền mặt, thay vào đó là cổ phiếu. Vì vậy, những ai rót vốn vào ACB phải chờ tới... sang năm bởi sang năm theo kế hoạch tỷ lệ cổ tức tại ACB vẫn là 30% nhưng ngân hàng dành 10% chi trả bằng tiền mặt.

Cổ đông của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vẫn mỏi mòn chờ ABBank chi trả 394 tỷ đồng cổ tức của năm 2017. Tuy nhiên, số tiền này đến tay cổ đông không phải là tiền mặt mà là cổ phiếu. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) “chăm sóc” nhà đầu tư tốt hơn một chút khi trả cổ tức 26,5%, trong đó 5,5% là tiền mặt.

Trong khi đó vẫn còn không ít ngân hàng “nói không” với cổ tức như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Năm nay, MSB chưa trả cổ tức nhưng hứa hẹn năm sau sẽ chia với tỷ lệ 10%. MSB chưa nói rõ cổ tức năm sau sẽ được trả bằng cổ phiếu hay tiền mặt.

HĐQT VietinBank mong muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chia cổ tức để tăng vốn.

HĐQT VietinBank mong muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chia cổ tức để tăng vốn.

Ngân hàng đòi tăng vốn, cổ đông thiệt thòi

Ngân hàng có nhiều lý do để giải thích cho việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc... không chia. Tại ĐHCĐ VietinBank diễn ra ngày 23/4, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank “than khổ” vì vốn điều lệ của VietinBank suốt nhiều năm qua chỉ dừng ở mức hơn 37.000 tỷ đồng, không đổi kể từ năm 2013.

Vốn điều lệ không được tăng ảnh hưởng đến nhiều hoạt động và tốc độ phát triển. Năm ngoái, ngân hàng này buộc phải hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Lợi nhuận trước thuế của VietinBank giảm tới 25% so với năm 2017. Vì vậy, ông Thọ khẳng định: “VietinBank hiện nay buộc phải tăng vốn mới có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng”. Chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chia cổ tức là cách ngân hàng giữ lại tiền để tăng vốn.

Giữ lại tiền mặt để tăng vốn cũng là lý do ACB “kiên định” chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu trong nhiều năm gần đây. Năm 2015 và 2016, tỷ lệ chi trả của ACB là 10%. Sang năm 2017, con số này nâng lên 15%. Sang năm 2018, cổ đông được hưởng lợi nhiều hơn khi tỷ lệ vọt lên 30%. Nhưng tất cả đều được trả bằng cổ phiếu chứ không phải tiền mặt.

Cổ đông ABBank chỉ có cơ hội nhận cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2017. Sang năm 2018, những nhà đầu tư này thậm chí còn kém may mắn hơn khi ngân hàng lên kế hoạch... không trả cổ tức. HĐQT ABBank cho biết: “Việc giữ lại lợi nhuận sau thuế để tích lũy vốn tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu vốn phát triển trong những năm tới nên ngân hàng đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận, không chia cổ tức”.

Có thể thấy, tăng vốn là lý do chính đáng của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, nhận “tiền tươi thóc thật” cho khoản đầu tư của mình cũng là nhu cầu chính đáng của mỗi cổ đông. Chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nội), người nắm giữ nhiều cổ phiếu ngân hàng chia sẻ: “Ai cũng muốn nhận được cổ tức bằng tiền mặt, lấy tiền mặt để trang trải cho cuộc sống hoặc chuyển sang các khoản đầu tư khác. Nhận bằng cổ phiếu thì họ phải gắn bó nhiều năm với doanh nghiệp. Mà ở Việt Nam, đa số đều là nhà đầu tư lướt sóng chứ không phải nhà đầu tư giá trị”.

Vì vậy, chị Trang mong không chỉ các ngân hàng mà các doanh nghiệp đại chúng nói chung cố gắng trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Xét cho cùng tiền mặt là “tiền tươi thóc thật”, còn cổ phiếu chỉ là tờ giấy và khi doanh nghiệp xuống dốc, nó chỉ là tờ “giấy lộn”.

Bảo Linh

Theo NTD

largeer