Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà: Cơ hội được thưởng thức vải “xịn”

Thứ hai, 04/06/2018, 19:46 PM

Theo thông tin từ UBND huyện Thanh Hà, Lễ hội vải thiều Thanh Hà sẽ diễn ra vào ngày 10-6 tới đây tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương

Theo thông tin từ UBND huyện Thanh Hà, Lễ hội vải thiều Thanh Hà sẽ diễn ra vào ngày 10-6 tới đây tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương  Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết, đây là lần đầu tiên Lễ hội vải thiều Thanh Hà được tổ chức. Lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 10-6 tại quảng trường Thanh Bình (huyện Thanh Hà) nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều, các mặt hàng nông sản chủ lực và các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hải Dương đến với người dân, du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng đón chào du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức vải thiều và tham quan du lịch tại Thanh Hà.

Trong khuôn khổ lễ hội vải thiều Thanh Hà sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc như đưa du khách đi thăm quan cây vải Tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà; thăm các vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vải xuất khẩu đi Mỹ, Australia và EU; trải nghiệm hái vải tại các vườn vải ở huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh; đi thuyền tham quan các vườn vải ven sông Hương; tham quan một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến vải thiều; thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật hưởng ứng lễ hội…

Lễ hội đã bố trí nhiều vườn vải để du khách tham quan

Lễ hội đã bố trí nhiều vườn vải để du khách tham quan

Được biết, huyện Thanh Hà đã bố trí 26 gian hàng trưng bày nông sản địa phương như vải quả, mật ong, ổi, sắn dây, gạo nếp, chuối, chanh…; chọn 2 cây vải (1 cây vải sớm, một cây vải chính vụ) để trang trí cho lễ hội; bố trí 3 vườn vải để hướng dẫn du khách đến thăm quan.

Lễ hội vải thiều cũng là dịp để kết nối người nông dân sản xuất, kinh doanh vải thiều và nông sản với các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp chế biến, thu mua, xuất khẩu, tiêu thụ vải, nông sản; ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản, sản phẩm du lịch giữa các đối tác.

Cũng theo ông Lực, những ngày gần đây, có nhiều thông tin thất thiệt về việc giá vải rẻ quá nên có người đã mang vứt xuống sông gây hoang mang là không đúng sự thật. Trên thực tế, giá vải ngọt đang vào độ chín, người dân đang nhanh chóng cắt bán cho thương lái, mặc dù giá vải năm nay không bằng năm trước nhưng không có chuyện giá vải 3.000 đồng/kg, thực chất giá vải thiều được bán ra từ vườn là 10.000 đồng/kg trở lên. Giá vận chuyển lên tới Hà Nội và các tỉnh lân cận từ 25.000-30.000 đồng/kg

Có nhiều thông tin thất thiệt về việc giá vải quá rẻ nên có người đã mang vứt xuống sông gây hoang mang là không đúng sự thật

Có nhiều thông tin thất thiệt về việc giá vải quá rẻ nên có người đã mang vứt xuống sông gây hoang mang là không đúng sự thật

Nhân dịp này, tỉnh Hải Dương sẽ công bố, giới thiệu Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà. Đây là dự án quan trọng cho sự phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của toàn huyện Thanh Hà trong tương lai.

Khu du lịch sinh thái sông Hương có tổng diện tích 863,55ha; trong đó khu vực Quy hoạch chung xây dựng có diện lích 245,09ha, khu vực kiểm soát phát triển có diện tích 618,46ha. Khu du lịch sinh thái sông Hương được quy hoạch với nhiều loại hình sản phẩm du lịch, chủ đạo là sinh thái miệt vườn, du lịch trải nghiệm, tham quan du lịch sông nước kết hợp du lịch di tích lịch sử văn hóa tâm linh.

Cây vải Tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà

Cây vải Tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà

Quy hoạch đề xuất tạo dựng khu bảo tàng, bảo tồn lúa nước gắn với du lịch sinh thái có vai trò phục dựng, lưu giữ, bào tồn, phát huy truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ. Quy mô lượng khách đến năm 2020 dự kiến phục vụ khoảng 500 nghìn lượt khách/năm, đến năm 2030 phục vụ khoảng 1 triệu lượt khách/năm. Ngoài ra, huyện Thanh Hà cũng sẽ tổ chức Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội, bắt đầu từ ngày 12-6-2018.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, để chọn được vải thiều chuẩn, trồng tại vùng đất vải nổi tiếng Thanh Hà, du khách cần phân biệt rõ vải thiều Thanh Hà có những đặc trưng khác biệt so với các loại vải khác như: quả có kích thước nhỏ hơn, khi chín có màu hồng tươi, lớp vỏ nhẵn mịn, cùi màu trắng trong, dày, giòn, khi bóc vỏ không bị chảy nước. Lớp cùi không bị dính vào hạt và cũng không có lớp màng đen phần tiếp giáp giữa hạt và cùi. Hạt vải rất nhỏ. Nếm thử phần đầu quả, nếu là vải thiều Thanh Hà, phần đầu quả không có vị chát, sau khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh nơi đầu lưỡi.

Đây là điểm khác biệt nhất của vài thiều Thanh Hà. Vải có vị ngọt thanh, mát, có hương thơm không chua, không chát và có nhiều chất bổ dưỡng với cơ thể. Vải thiều Thanh Hà cũng có giá bán đắt hơn vải từ các vùng khác, nên nếu không có kinh nghiệm, bạn dễ mua phải những loại vải “đội lốt” vải thiều Thanh Hà.

Hiện nay, cây vải tổ đang được ông Hoàng Văn Nượm (cháu đời thứ 5 của cụ Hoàng Văn Cơm) trông coi và chăm sóc

Hiện nay, cây vải tổ đang được ông Hoàng Văn Nượm (cháu đời thứ 5 của cụ Hoàng Văn Cơm) trông coi và chăm sóc

Còn theo bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, hiện nay, Hải Dương đã có 131,68ha vải được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, EU, Australia. Tỉnh cũng có 334ha vải được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap và 8.000ha sản xuất theo hướng GAP.

Bên cạnh thị trường trong nước với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và hệ thống các siêu thị lớn thì vải thiều tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế. Hiện ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, vải thiều Hải Dương đã xuất khẩu tới các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Thụy Điển, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines.

Xuân Thanh

Theo PL&XH

largeer