Lãng phí kép

Thứ sáu, 25/05/2018, 19:04 PM

Gần đây, liên tiếp những vụ lùm xùm liên quan tới nguồn nhân lực chất lượng cao, sau khi được đào tạo về do nhiều yếu tố đã phá bỏ cam kết ra ngoài làm việc, khiến ảnh hưởng đến các chương trình đào tạo, ảnh hưởng đến nguồn ngân sách nhà nước và kèm theo đó là tình trạng “chảy máu” chất xám.

Chỉ riêng tại Đà Nẵng, theo thống kê, đến tháng 5/2018, đã có 93 người đã rút khỏi Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922). Trong đó dù được bố trí việc làm, 40 người đã xin thôi việc với các lý do đoàn tụ gia đình, sức khỏe không tốt hoặc muốn tìm công việc khác.

Cũng đã có những đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đào tạo nhân tài cho thấy không ít học viên đi học theo chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho biết sẽ không tiếp tục làm việc, với các nguyên nhân môi trường chưa tốt, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống, không có cơ hội thăng tiến. Có học viên tham gia đề án chờ đến hết hợp đồng với đơn vị quản lý để “nhảy việc” với mức lương cao hơn.

 Theo không ít học viên chương trình, Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho biết, bản thân họ cũng xác định rằng làm việc vì muốn cống hiến, vì trách nhiệm của một học viên, tuy nhiên do môi trường làm việc không phù hợp, không hứng thú, phù hợp với công việc được phân công, đặc biệt là mức thu nhập còn thấp không đủ trang trải cho cuộc sống nên nhiều người chỉ chăm chăm thực hiện xong cam kết là nghỉ việc để chuyển tới làm việc môi trường khác tốt hơn.

Điều này dẫn đến hệ lụy là ngân sách nhà nước đầu tư cho các nguồn lực chất lượng cao chưa đạt hiệu quả, gây lãng phí. Bên cạnh đó, các nguồn lực chất lượng cao sau khi được đào tạo ra ngoài được các công ty, doanh nghiệp “hớt váng mỡ” khiến Nhà nước bị “chảy máu” chất xám. Do đó, để đảm bảo quyền lợi Nhà nước, vừa qua không ít đơn vị đã gửi hồ sơ lên TAND các cấp để khởi kiện những trường hợp học viên vi phạm hợp đồng.

Đi học bằng nguồn ngân sách nhà nước hay nói đúng hơn là tiền thuế của nhân dân, người học phải cam kết với chính quyền không ngừng tu dưỡng, học tập và sau khi học xong phải về địa phương làm việc với thời gian đã được quy định theo các chương trình cụ thể. Tuy nhiên dư luận cho rằng, để khắc phục những tồn tại trên, cần phải giải quyết căn cơ vấn đề, trong đó trước hết, các cơ quan chức năng cần xác định rõ cần người như thế nào, người đó cần kiến thức kỹ năng, thành thạo công việc gì, làm vị trí nào trong bộ máy nhà nước. Sau đó chọn người, chất lượng chưa đảm bảo thì bồi dưỡng thêm, rồi đưa về đúng vị trí đang cần. Những năm qua, chính sách hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ vào làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, đã được thực hiện ở nhiều địa phương và đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề môi trường làm việc và quan trọng nhất là vấn đề thu nhập tương xứng để đáp ứng nhu cầu cuộc sống cũng đang là bài toán đòi hỏi cơ quan chức năng cần giải. Có như thế, cùng với các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp mới khuyến khích, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này.

Minh Phong

Theo SK&ĐS

largeer