Lãng phí với ngân hàng đề thi

Thứ ba, 04/12/2018, 15:54 PM

Giáo viên các trường THPT phải tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có Công văn 5396 gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường xây dựng và sử dụng ngân hàng đề thi trên mạng.

Tập huấn mỗi sở 20 giáo viên

Theo đó đề nghị các sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tổ chức và hướng dẫn giáo viên tham gia biên soạn câu hỏi, xây dựng ngân hàng đề thi trên mạng "trường học kết nối".

Câu hỏi phải được xây dựng theo 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên của các địa phương với mỗi sở là 22 người, trong đó có 20 giáo viên giàu kinh nghiệm, đang dạy lớp 12 các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, tiếng Anh, tiếng Pháp.

Công tác tập huấn được triển khai trong 12 ngày của tháng 12-2018 gồm tập huấn trực tiếp thông qua việc tập trung giáo viên các tỉnh và tập huấn trực tuyến qua mạng.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại Hà NộiẢnh: Đặng Hà

Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại Hà NộiẢnh: Đặng Hà

Hàng chục tỉ đồng cho biên soạn

Theo phương án thi THPT quốc gia 2019 của Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bảo đảm phù hợp với năng lực học sinh phổ thông, có độ phân hóa phù hợp. Bộ này cũng cho biết quá trình xây dựng đề thi sẽ tăng cường công tác thử nghiệm để từng bước chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi, huy động câu hỏi từ nhiều nguồn, nhất là từ các giáo viên, giảng viên, chuyên gia.

Vấn đề đặt ra là các câu hỏi và ngân hàng đề của giáo viên sẽ được sử dụng ra sao? Bản quyền, thù lao cho người biên soạn câu hỏi? Việc điều động giáo viên tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi sẽ tiết kiệm cho ngân sách bao nhiêu tiền?

Hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng những băn khoăn này không phải không có lý do bởi việc biên soạn ngân hàng câu hỏi, ra đề thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT tốn rất nhiều tiền. Năm 2016, bộ đã tiêu tới 15 tỉ đồng cho việc này.

 Theo đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020 (đã thu hồi), việc xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT chi phí đến 84,7 tỉ đồng. Chỉ riêng chi phí ra đề thi là 31 tỉ đồng.

Tại sao năm nào cũng soạn?

Một chuyên gia về khảo thí phân tích kỳ thi THPT quốc gia chỉ kéo dài đến hết năm 2020; sau đó, khi có chương trình phổ thông mới, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức như thế nào chưa ai rõ. Việc bỏ ra hàng chục tỉ đồng cho việc biên soạn câu hỏi thi mỗi năm trong khi kỳ thi THPT quốc gia chỉ kéo dài 2 năm nữa là lãng phí.

Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi tại sao Bộ GD-ĐT không dùng những câu hỏi đã được chuẩn hóa trong ngân hàng đề thi được xây dựng nhiều năm qua mà năm nào cũng tốn rất nhiều kinh phí vào việc biên soạn? "Dù Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm kinh phí cho công tác tập huấn nhưng đó vẫn là ngân sách nhà nước và tôi cho rằng cần phải tiết kiệm vì ngành giáo dục còn rất nhiều việc cần tiền hơn" - chuyên gia này bày tỏ.

Yến Anh

Theo NLĐO

largeer