Lãnh đạo “bẻ lái” kế hoạch kinh doanh, cổ đông ngỡ ngàng

Thứ ba, 23/10/2018, 11:11 AM

Nhiều doanh nghiệp thông báo điều chỉnh kết quả kinh doanh, chủ yếu là giảm khi đã gần hết năm khiến cổ đông bất ngờ. Khi đưa ra kế hoạch kinh doanh cả năm thì doanh nghiệp cần ý kiến đồng ý của tất cả cổ đông nhưng khi điều chỉnh thì ban lãnh đạo có thể tự quyết. Sự “bẻ lái” này có công bằng với nhà đầu tư?

LienVietPotsBank giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2018 đến 600 tỷ đồng.

LienVietPotsBank giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2018 đến 600 tỷ đồng.

Chủ yếu là giảm

Bất ngờ nhất là quyết định của ban lãnh đạo CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) khi giảm hầu hết kế hoạch kinh doanh đưa ra hồi đầu năm nay. Theo đó, tổng doanh thu giảm 15% (từ 1.393 tỷ đồng xuống 1.172 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế giảm tới 70% (từ 186 tỷ xuống 58 tỷ đồng).

Trước ngày điều chỉnh, Ocean Group nhận được thông báo thụ lý vụ kiện kinh doanh thương mại của TAND quận Ba Đình (Hà Nội) về việc Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo yêu cầu tòa án hủy toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của tập đoàn. Điều này đồng nghĩa với những khoản lợi nhuận mà Ocean Group dự tính thu được từ việc thoái vốn tại các khoản đầu tư không hiệu quả sẽ không có.

Trường hợp đáng chú ý khác là ở Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Ngân hàng này đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng (giảm 1/3). Nhiều chỉ tiêu khác cũng giảm theo như tổng tài sản, huy động tín dụng và cổ tức trả cho cổ đông. Ngân hàng này giải thích rằng, giảm kế hoạch kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước chỉ phê duyệt tăng trưởng tín dụng 14% so với kế hoạch tự xây dựng của LienVietPostBank là gần 20% hồi đầu năm. Đây có vẻ là những chuyện bất khả kháng.

Ở mảng thực phẩm, những biến động bất lợi từ thị trường thức ăn chăn nuôi đã buộc CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) phải hạ chỉ tiêu doanh thu xuống gần 12%, còn 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế của AFX điều chỉnh giảm mạnh hơn 60%, lần lượt chỉ còn 7 tỷ đồng và 6 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ thực hiện được gần 37% kế hoạch doanh thu và hơn 4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Kết quả này khá bết bát so với những gì mà chính ban lãnh đạo công ty đã trình cổ đông hồi tháng 4 vừa qua.

Một trường hợp tăng kết quả lợi nhuận hiếm hoi là ở CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC). Công ty đã gửi văn bản đến cổ đông để thông báo tăng lợi nhuận sau thuế lên hơn 7 lần, đạt gần 145 tỷ đồng cho năm 2018. Việc tăng lợi nhuận của PNC chủ yếu đến từ việc thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam sau hai đợt, với tổng giá trị khoảng 261 tỷ đồng. Bên cạnh yếu tố đột biến này, PNC thực ra cũng xin giảm gần 10% doanh thu cho năm 2018.

Nhờ bán tài sản nên PNC điều chỉnh tăng lợi nhuận 142 tỷ đồng nhưng doanh thu giảm 59 tỷ đồng.

Nhờ bán tài sản nên PNC điều chỉnh tăng lợi nhuận 142 tỷ đồng nhưng doanh thu giảm 59 tỷ đồng.

Cổ đông nên làm gì?

Việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh dù vì lý do gì, theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), cũng gây mất lòng tin nhà đầu tư. Thay đổi này tạo ra tâm lý tiêu cực và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. “Quan trọng hơn, nó làm xói mòn giá trị doanh nghiệp” - ông Khánh đánh giá.

Trước nay, sau khi họp đại hội đồng cổ đông và nghị quyết HĐQT được thông qua, đồng nghĩa HĐQT có quyền thay đổi kết quả kinh doanh. Ông Khánh cho rằng cổ đông ít để ý đến vấn đề này nên hầu như cứ chấp nhận chuyện kết quả kinh doanh trồi sụt theo ý HĐQT. Để giành lại quyền lợi, tại các cuộc họp chính thức của công ty, cổ đông nên truy vấn kế hoạch kinh doanh hàng năm mà HĐQT đưa ra xem có hợp lý chưa. Hơn hết, theo ông Khánh, sau khi đã thông qua kế hoạch kinh doanh, cổ đông nên yêu cầu HĐQT không được thay đổi hoặc thay đổi trong hạn mức nào đó.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm kết quả kinh doanh nhưng thù lao HĐQT không hề thay đổi. Điều này là chưa công bằng với tất cả cổ đông còn lại. Nếu thật sự quan tâm đến doanh nghiệp và muốn đầu tư lâu dài, cổ đông nên chất vấn HĐQT về chuyện này tại đại hội đồng cổ đông hàng năm hoặc bất thường. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, cũng khó có thể giải quyết triệt để vấn đề này nếu cổ đông lớn nằm trong HĐQT và là lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp.

Do đó, để ứng phó với vấn đề này, nhà đầu tư không nên đưa những doanh nghiệp hay điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh vào danh mục cổ phiếu ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, theo ông Khánh, để khỏi ngỡ ngàng vì những quyết định bất ngờ của HĐQT, nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu từ dưới lên (bottom up). Tức sàng lọc những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và ổn định, tình hình tài chính vững mạnh và có triển vọng kinh doanh tươi sáng, thay vì chọn những doanh nghiệp lớn hay có kết quả kinh doanh đột biến.

Dương Nguyễn

Theo NTD

largeer