Lễ hội hóa trang phù thủy - Dị và quậy

Chủ nhật, 04/03/2018, 19:26 PM

Lễ hội hóa trang phù thủy ở vùng Schorndorf, bang Baden Wurttemberg, miền Nam nước Đức diễn ra vào “Schmutzigerdonnerstag” (ngày thứ năm bẩn thỉu) trong tháng 2 của năm mới, phụ thuộc vào ngày đầu tiên trăng tròn trong năm mới.

Tương truyền rằng, từ thời xa xưa, phụ nữ không có cơ hội được vươn lên khẳng định tiếng nói của bản thân, mà nhất nhất phải nghe theo tiếng nói của người đàn ông trong họ tộc hay gia đình. Vì thế, vào một ngày thứ năm trong tháng 2 của đầu năm mới, phụ nữ tập hợp nhau lại, tự tổ chức hội hè đình đám, làm những việc mình ưa thích mà không có bất cứ một sự cương tỏa nào. Ngày này còn được gọi tên là “Weibertag” - ngày của phái nữ. Một lý giải khác hết sức thú vị, liên quan đến các ngày hoạt động trong tuần của người theo đạo Công giáo. Ngày thứ tư họ phải ăn chay theo luật lệ ghi trong Kinh thánh, ngày thứ sáu cũng là ngày ăn chay, tuy nhiên có thêm món cá. Còn lại ngày thứ năm trong tuần, người theo Công giáo được phép giết mổ, tích trữ thịt, làm xúc xích... Công việc giết mổ động vật lấy thịt liên quan đến máu và sự “bẩn thỉu”, vì thế tên gọi “Schmutzigerdonnerstag” ra đời từ đấy. Cùng với thời gian, ngày Weibertag giờ có rất nhiều đàn ông đi cùng, khua chiêng trống, làm xôm tụ đám rước. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện ngày hội hóa trang Carnaval trong tháng 2, diễn ra trên nước Đức và toàn bộ lãnh thổ các nước châu Âu.

Một bộ trang phục mà các phù thủy hóa trang trên người không dưới 300 eur, đó là chia sẻ của một nhân vật phù thủy trong lễ hội. Nếu muốn hóa trang thành phù thủy và hòa vào đám hội, các thành viên có thể mua trang phục tại các cửa hàng thời trang, gian hàng chuyên bán đồ Carnaval. Nếu muốn hàng “độc” hơn, chị em có thể mua đồ trên mạng, hoặc đặt hàng trực tiếp tại một làng nghề thủ công truyền thống ở Italia. Hàng càng lạ càng dị, hóa trang phù thủy sao cho đáng sợ nhất, càng được ưa thích. 

Đám rước bắt đầu từ nhà thờ, đi qua các con phố lớn. Các mụ phù thủy (ảnh) vừa diễu hành vừa hát vang những ca khúc ca ngợi phái nữ, ca ngợi sự tự do. Thi thoảng có xe thì các mụ xúm xung quanh chiếc xe khốn khổ, “uy hiếp” tài xế mở cửa xe. Cuộc thương lượng diễn ra trong chớp nhoáng, chỉ biết khi chiếc xe được rời đi kèm theo hình ảnh anh chàng trong xe đã bị mấy mụ tặng lại hình trái tim vẽ bằng son đỏ choe choét trên má. Rất vui... Hay các mụ giữ chân người đi bộ, lân la bắt chuyện. Khi bạn đang mải miết theo câu chuyện hấp dẫn được khơi gợi, bỗng các mụ tung tới tấp vụn giấy kim tuyến vào mặt, vào người. 

Đám rước diễu hành và dừng lại ở quảng trường lớn thành phố, nơi đám đông háo hức đứng chờ từ lâu. Mụ phù thủy trưởng hội dõng dạc đọc diễn văn, lý giải nguồn gốc, ý nghĩa ngày hội với lối nói hóm hỉnh. Đám đông ồ lên cười ngặt nghẽo. Phần sau buổi lễ, có cả ông thị trưởng thành phố hóa trang thành một chú ong ngộ nghĩnh, tham gia các trò chơi dân gian trong lễ hội. Các mụ phù thủy tiến lại gần người dân, giao lưu với đám đông và chỉ chực chờ họ sơ hở là tinh quái tung kẹo, tung giấy kim tuyến, vẽ son đỏ lên má họ. Điểm dừng chân cuối cùng của nhóm diễu hành là trung tâm dưỡng lão của thành phố. Các phù thủy trước đó tinh quái chọc ghẹo người dân là thế, mà giờ đây bỗng nhiên đổi khác. Các mụ giao lưu ca hát với các cụ già trong trung tâm, ân cần phát quà cho các cụ. Phù thủy dù hóa trang bề ngoài đáng sợ như thế nào thì vẫn có một trái tim ấm nóng, sẵn sàng chia sẻ niềm vui cuộc sống với những cụ già mà phần còn lại thiếu thốn tình thương của con cháu.

Háo hức về nhà sau lễ hội, tôi cởi bỏ chiếc áo khoác ngoài và vui đùa cùng lũ trẻ. Bỗng nhiên từ trong mũ áo khoác, ào ra nào là giấy kim tuyến vụn, kẹo bánh, đồ chơi trẻ nhỏ. Hóa ra trong lúc tôi ở phố diễu hành cùng đám đông và mải vui không để ý, nhóm phù thủy tinh quái đã lén bỏ vào. Niềm vui đến từ những sự bất ngờ, từ cách mà chúng ta nhìn nhận và chào đón nó...

MINH AN (từ Đức)

Theo SGGP

largeer