Liên tiếp tai nạn qua đèo Hải Vân: Sao không chọn đi hầm?

Thứ hai, 14/01/2019, 10:08 AM

Không ít người đặt câu hỏi: “Vì sao chủ phương tiện không chọn đi đường hầm để đảo bảo an toàn tính mạng cho bản thân và hành khách mà lại đi đường đèo?”.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra hôm 8/1 trên đường đèo Hải Vân đoạn Km898+200 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến 1 người chết và hàng chục người bị thương

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra hôm 8/1 trên đường đèo Hải Vân đoạn Km898+200 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến 1 người chết và hàng chục người bị thương

Chỉ trong vòng 3 ngày từ 8 - 10/1/2019, đoạn đường qua khu vực đèo Hải Vân nằm giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã xảy ra liên tiếp hai vụ tai nạn giao thông làm một người chết và nhiều người bị thương. Sau các vụ tai nạn trên đường đèo, không ít người đặt câu hỏi: “Vì sao chủ phương tiện không chọn đi đường hầm để đảo bảo an toàn tính mạng cho bản thân và hành khách?”.

Có thể cấm xe tuyến chạy cố định qua đèo

Lúc 9h10 ngày 10/1, tại Km912+600 QL1A, đoạn qua đèo Hải Vân (thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) xảy ra vụ tai nạn giữa xe bồn chở xăng dầu BKS: 92C-078.84 chạy hướng Thừa Thiên - Huế về Đà Nẵng đã va chạm với xe khách BKS: 43B 043.29 chạy ngược nhiều. Khi xảy ra tai nạn, trên xe khách có 15 người, bao gồm 12 du khách người Trung Quốc và 1 hướng dẫn viên du lịch. Rất may, vụ tai nạn không gây thương vong về người, nhưng cả 2 xe ô tô đều bị hư hỏng nặng.

Trước đó, khoảng 12h30 ngày 8/1, cũng trên đường đèo Hải Vân đoạn Km898+200 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), xe khách BKS: 51B-22930 chạy hướng Đà Nẵng - Huế chở theo 21 sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang, khi qua cầu Cây Bàng phía Bắc đèo Hải Vân khoảng 500m bất ngờ mất lái, tông đổ vào lan can đường rồi lao xuống vực khoảng 30m, khiến 1 người bị tử vong và nhiều người bị thương, xe ô tô hư hỏng nặng.

Các vụ TNGT liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khi lưu thông qua những đoạn đường đèo nguy hiểm. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, sau các vụ tai nạn xảy ra, sở này sẽ phối hợp với Sở GTVT TP.Đà Nẵng, Hội vận chuyển khách du lịch TP.Đà Nẵng để đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho tài xế khi lái xe qua đèo Hải Vân.

“Cơ bản những tuyến đường tiềm ẩn rủi ro, tài xế phải đảm bảo và đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Đối với cung đèo Hải Vân, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên các ngành cần thiết có khuyến cáo”, ông Bình nói.

Trong khi đó, theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đèo Hải Vân là đoạn đường dài, quanh co, độ dốc lớn… Do đó, ông Thọ đề nghị cơ quan chức năng xem xét gia cố đoạn đường này. Cũng theo ông Thọ, từ năm 2016 đến nay đã xảy ra 2 vụ tai nạn trên tuyến đèo Hải Vân (phía Thừa Thiên - Huế).

"Năm 2016 đã xảy ra một vụ lật xe bồn cách hiện trường lật xe khách khoảng 500m. Thực tế, khi di chuyển, phần lớn xe khách đều đi qua hầm Hải Vân nên tai nạn giảm bớt”, ông Thọ nói và cho biết, ở đoạn đường đèo dốc này, tài xế không quen nên chúng ta phải có cảnh báo hoặc thậm chí không cho xe khách lên đèo.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, các tuyến đường đèo khu vực miền Trung như: Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông đều là những tuyến đường quanh co, hiểm trở và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Hiện nay, các khu vực đèo này đều có những tuyến hầm đường bộ chạy qua, đảm bảo an toàn giao thông rất cao cho các phương tiện.

“Đối với các xe du lịch, vì nhu cầu muốn đi đường đèo để tham quan, ngắm cảnh, chúng ta không thể cấm họ đi, nhưng đối với các xe khách chạy tuyến cố định cơ quan chức năng có thể cấm đi đường đèo để đảm bảo an toàn và tính mạng cho hành khách”, ông Thanh khuyến cáo.

Theo ông Thanh, việc lựa chọn đi qua hầm phải trả phí hay đi đường đèo để mất phí là quyền lựa chọn của chủ phương tiện. “Theo tôi được biết, đối với các xe chạy tuyến cố định hiện nay hầu hết họ chọn đi qua hầm đường bộ, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, lại đảm bảo an toàn chứ chẳng ai dại gì chọn đường đèo để đi”, ông Thanh chia sẻ.

Năm 2018, hầm Hải Vân phục vụ 3,65 triệu lượt xe qua lại an toàn, không xảy ra vụ tai nạn giao thông thông nào làm chết người

Năm 2018, hầm Hải Vân phục vụ 3,65 triệu lượt xe qua lại an toàn, không xảy ra vụ tai nạn giao thông thông nào làm chết người

Chưa ai tử vong vì tai nạn khi qua hầm đường bộ

Theo thống kế từ Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay đã có 25 vụ TNGT xảy ra trên khu vực đường đèo Hải Vân làm 3 người chết, nhiều người bị thương. Trong khi đó, tại khu vực đường đèo qua Đèo Cả qua hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa giai đoạn từ 2006 - 2016 đã xảy ra 108 vụ TNGT, làm chết 63 người, bị thương gần 100 người.

Trái ngược với tình trạng mất ATGT rất cao trên các tuyến đường đèo, tại các hầm đường bộ đã được đầu tư xây dựng trên QL1, công tác đảm bảo an toàn giao thông gần như tuyệt đối dù lượng phương tiện qua lại rất lớn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân cho biết, chỉ tính riêng năm 2018, lượng phương tiện qua hầm Hải Vân đạt khoảng 3,65 triệu lượt xe, bình quân 10.011 lượt xe/ngày đêm.

“Kể từ khi nhận bàn giao vận hành hầm đường bộ Hải Vân từ Tổng cục Đường bộ VN từ ngày 1/1/2016 đến nay, hầm đường bộ Hải Vân đã phục vụ an toàn 9,94 triệu lượt phương tiện. Cũng trong khoảng thời gian này, xảy ra 44 vụ tai nạn trong và ngoài hầm Hải Vân, chủ yếu do các xe không giữ khoảng cách an toàn va quệt với nhau, không có vụ nào gây thiệt hại về người”, ông Thắng nói.

Tương tự, tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả, theo thống kê từ đơn vị quản lý vận hành dự án, tính từ thời điểm thông hầm đưa vào khai thác (21/8/2017) đến nay đã có 2,79 triệu lượt xe lưu thông qua hầm an toàn và chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông chết người nào bên trong hầm Đèo Cả.

“Trong hầm đường bộ Hải Vân và Đèo Cả đều có các camera giám sát, đội cứu hộ, cứu nạn và phòng cháy chữa cháy túc trực 24/24h nên bất cứ vụ tai nạn, va quệt giao thông nào xảy ra trong hầm đều được đơn vị quản lý vận hành tiến hành cứu hộ, cứu nạn kịp thời, giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản cho các phương tiện”, ông Thắng cho biết.

Theo thông tin của Báo Giao thông, dự kiến ngày 21/1/2019, một dự án hầm đường bộ quy mô lớn khác sẽ được thông xe, đưa vào vận hành khai thác là hầm đường bộ qua đèo Cù Mông. Công trình này được kỳ vọng rất lớn để xóa bỏ điểm đen qua đèo cuối cùng trên QL1, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên cung đường nối Bình Định với Phú Yên.

Đình Quang

Theo baogiaothong.vn

largeer