Liệu HQC sẽ hấp dẫn khi Chủ tịch HĐQT mạnh tay mua vào 10 triệu cổ phiếu?

Thứ hai, 13/05/2019, 09:47 AM

Từ ngày lên sàn đến nay, cổ phiếu HQC của Hoàng Quân đã giảm hơn 90% khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng. Vừa qua Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trương Anh Tuấn đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu. Liệu đây có phải là thời điểm để đầu tư vào HQC?

Tài sản của Hoàng Quân có chất lượng thấp khi chỉ còn các khoản phải thu 3.500 tỷ đồng và tồn kho 700 tỷ đồng. (Nguồn: Finapro).

Tài sản của Hoàng Quân có chất lượng thấp khi chỉ còn các khoản phải thu 3.500 tỷ đồng và tồn kho 700 tỷ đồng. (Nguồn: Finapro).

Cổ phiếu rơi thẳng xuống vực sâu

Cổ phiếu HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Hoàng Quân) lên sàn từ năm 2010 với giá 31.000 đồng/cổ phiếu (đ/cp). Tại thời điểm đó, khối lượng niêm yết chỉ 40 triệu đơn vị nhưng vốn hóa công ty đạt 1.240 tỷ đồng. Trải qua 9,5 năm trên sàn chứng khoán, khối lượng cổ phiếu lưu hành tăng 12 lần nhưng vốn hóa lại giảm 1,7 lần còn 715 tỷ đồng khiến HQC “bốc hơi” 90% giá trị. Đầu tư 100 triệu đồng vào HQC, nay chỉ còn 10 triệu đồng khiến cổ đông bạc trắng mái đầu.

Cứ mỗi lần tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ), mái tóc của cổ đông xuất hiện thêm nhiều sợi bạc. ĐHCĐ nào cũng vậy, nhà đầu tư được ban lãnh đạo hứa hẹn những dự án mới hoành tráng và cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại. Ban lãnh đạo tiếp tục hứa hẹn với cổ đông tại các kỳ ĐHCĐ trong khi cổ phiếu cứ lặng lẽ bốc hơi vài chục phần trăm, khiến cổ phiếu HQC đến nay trở thành một trong những cổ phiếu có thị giá thấp nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM khi chỉ còn 1.500 đ/cp.

Ban lãnh đạo Hoàng Quân luôn tô vẽ màu hồng cho cổ đông tại những kỳ ĐHCĐ nhưng thực tế thì thấp hơn kế hoạch rất nhiều và kéo dài trong nhiều năm. Năm 2016-2018, lợi nhuận công ty thực hiện chỉ đạt lần lượt 4%, 33% và 25% kế hoạch năm.

Điều “chua chát” đối với cổ đông của Hoàng Quân là khi giá cổ phiếu ngày càng rớt sâu, tỷ lệ sở hữu của ông Trương Anh Tuấn ngày càng giảm, từ 56,5% trong năm 2010 xuống chỉ còn 4,27% tại thời điểm hiện tại.

Điều đó có nghĩa ông Trương Anh Tuấn đã tranh thủ bán cổ phiếu HQC tại mức giá rất cao so với mức giá chưa mua nổi ly trà đá như hiện nay. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ là những người thua thiệt trong “cuộc chơi” này.

Ngoài ra, việc tăng vốn của Hoàng Quân chỉ là việc giúp các “công ty sân sau” của ban lãnh đạo đưa cổ phiếu lên sàn qua hình thức niêm yết cửa sau. Năm 2015, Hoàng Quân phát hành 132 triệu cổ phiếu nhằm hoán đổi cổ phiếu với các CTCP Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ, CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận, CTCP Cảng Bình Minh và CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản Đông Dương theo tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, nhanh chóng sau đó, Hoàng Quân lại thoái vốn khỏi 4 công ty này.

Tại thời điểm phát hành, cổ phiếu HQC chỉ có giá 5.100 đ/cp nên Hoàng Quân bị âm thặng dư vốn cổ phần lên tới 646,8 tỷ đồng. Điều này khiến cổ đông bức xúc vì từ thời điểm đó đến nay, Hoàng Quân không thể chia cổ tức do theo quy định công ty chỉ được trả cổ tức khi thặng dư vốn cổ phần là số dương. Trong 3 năm 2016-2018, công ty chỉ lãi được 127 tỷ đồng, âm thặng dư vốn cổ phần mới tăng lên được 576 tỷ đồng nên cổ đông sẽ mòn mỏi chờ nhiều năm nữa mới có thể nhận cổ tức.

ĐHCĐ là dịp để ban lãnh đạo Hoàng Quân vẽ kế hoạch doanh thu, lợi nhuận nhưng thực tế thực hiện rất thấp.

ĐHCĐ là dịp để ban lãnh đạo Hoàng Quân vẽ kế hoạch doanh thu, lợi nhuận nhưng thực tế thực hiện rất thấp.

HQC đã hấp dẫn trở lại khi đang ở vực sâu?

Mới đây, ông Trương Anh Tuấn đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HQC từ 9/5-9/6 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, ông Trương Anh Tuấn sẽ sở hữu 6,37% vốn điều lệ của Hoàng Quân với 30.350.240 cổ phiếu. Đây là tín hiệu tích cực cho HQC trong ngắn hạn nhưng nhà đầu tư cần nhìn rõ “sức khỏe” hiện nay của doanh nghiệp trước khi “xuống tiền” hoặc tiếp tục đồng hành cùng công ty này. Ông Trương Anh Tuấn có thực sự mua đúng khối lượng cổ phiếu đã đăng ký hay không là một chuyện hoàn toàn khác và cần thời gian trả lời.

Đánh giá về Hoàng Quân, ông Trần Ngọc Báu, Founder Finapro nhận xét: Toàn bộ tài sản của công ty hiện tại chỉ còn các khoản phải thu 3.500 tỷ đồng và tồn kho 700 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu tập trung tại các bên liên quan thông qua bán hàng và cho vay, phần nhỏ còn lại là các khách hàng mua bất động sản (không ai bán chịu nhà cho khách ngoại trừ cũng là các bên liên quan). Những khoản này đã treo lâu và có số dư phải thu lớn bất thường so với doanh thu hàng năm.

Những năm vừa qua thị trường bất động sản phục hồi tốt nhưng công ty lại kinh doanh vô cùng bết bát trong mảng cốt lõi này. Lợi nhuận mảng bất động sản luôn ghi nhận âm trong ba năm gần đây. Cứu cánh cho công ty đến từ lợi nhuận tài chính. Điều đáng nói là những khoản lợi nhuận này lại đến từ hai khu vực rất nhạy cảm là lợi nhuận từ hợp tác đầu tư và lợi nhuận từ bán công ty liên kết.

Hai yếu tố lớn nhất làm Hoàng Quân lỗ ở hoạt động cốt lõi trong những năm vừa qua chủ yếu là do doanh thu suy giảm nhưng chi phí quản lý có xu hướng tăng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu chi phí. Mặt khác chi phí lãi vay cũng duy trì mức cao là yếu tố thứ hai bào mòn lợi nhuận cốt lõi của công ty, trong khi đó công ty lại cho các công ty liên quan chiếm dụng và vay với lãi suất rất thấp.

Nguyễn Vũ

Theo NTD

largeer