Loay hoay tìm cách 'buộc' Grab trong luật Việt Nam

Thứ bảy, 14/07/2018, 06:00 AM

Theo Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể, dù Uber, Grab vào Việt Nam hoạt động là thí điểm nhưng qua thời gian loại hình này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới taxi truyền thống.

Theo Bộ Giao thông, bản chất của Grab, Uber và taxi truyền thống đều kinh doanh vận tải như nhau nên phải đảm bảo công bằng. Ảnh minh họa

Theo Bộ Giao thông, bản chất của Grab, Uber và taxi truyền thống đều kinh doanh vận tải như nhau nên phải đảm bảo công bằng. Ảnh minh họa

Sáng 13/7, Bộ GTVT tiếp tục họp bàn về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014. Dù chỉ còn khoảng nửa tháng để Bộ GTVT trình Thủ tướng Dự thảo Nghị định, nhưng tới nay câu chuyện quy định quản lý taxi công nghệ như Grab ra sao vẫn đầy tranh cãi.Đại diện các hãng vận tải, hiệp hội taxi một mực lên tiếng đề nghị Bộ GTVT đưa vào các quy định đều xác định Grab và các hãng công nghệ gọi xe là taxi. Đồng thời, buộc các hãng này phải đóng bảo hiểm cho lái xe, đóng thuế cho nhà nước như các hãng taxi đang phải thực hiện, để đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Thậm chí, đại diện các hiệp hội taxi còn thống kê hàng loạt con số để chứng minh Grab đang cạnh tranh không lành mạnh để giành thị phần. Điển hình, bình quân mỗi ngày Grab giành hơn 2 tỷ đồng cho khuyến mại, trong khi hàng năm vẫn báo kinh doanh thua lỗ. “Rõ ràng đây là cách để Grab chèn ép, tiêu diệt doanh nghiệp taxi khác”, đại diện taxi Vinasun dẫn chứng.

Nhờ đó, Grab đã tăng số lượng xe từ khoảng 4.000 xe năm 2014-2015, lên 34.000 xe tới tháng 3/2018.

Còn đại diện Grab nêu quan điểm, việc Dự thảo Nghị định định nghĩa kinh doanh vận tải gồm cả đơn vị cung cấp phần mềm kết nối là chưa hợp lý, đi ngược xu hướng thế giới. Điều này dẫn tới chồng chéo trong thực hiện nghĩa vụ giữa đơn vị phần mềm và kinh doanh vận tải.

Đại diện một số cơ quan nghiên cứu có mặt, như Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội Thương mại điện tử... cũng không đồng tình với Bộ GTVT xem đơn vị cung cấp phần mềm đặt xe là đơn vị kinh doanh vận tải. Vì như vậy sẽ cản trở các sáng tạo mới đưa vào cuộc sống, do đơn vị kinh doanh vận tải sẽ phải chịu rất nhiều điều kiện kinh doanh ngặt nghèo.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, còn khoảng 10 ngày nữa bộ sẽ phải trình Thủ tướng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86. Do đó đây có thể xem là cuộc họp mở rộng cuối cùng bàn về dự thảo này trước khi trình Thủ tướng.

Dù Uber, Grab vào Việt Nam hoạt động là thí điểm, nhưng ông Thể đánh giá, qua thời gian loại hình này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới taxi truyền thống. Ranh giới giữa công nghệ và vận tải, xe hợp đồng và xe taxi rất mong manh, tạo nên các vấn đề rất bức xúc, nên nghị định mới phải điều chỉnh, để tất cả cùng phát triển.

Ông Thể cũng chia sẻ sự ủng hộ ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, nhưng phải đảm bảo quyền lợi người dân, lái xe, an toàn giao thông và nghĩa vụ thuế với nhà nước. Nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí gay gắt, nên Bộ GTVT cũng rất khó xử, có nội dung tiếp thu được, có nội dung không, không thể đáp ứng được tất cả.

Người đứng đầu Bộ GTVT cho rằng, khi mới vào, Uber, Grab là thí điểm vì chưa nắm rõ, nhưng giờ đã nắm rõ hoạt động của các đơn vị này, cần có cơ chế quản lý hợp lý.

Dù vậy, ông Thể vẫn nhấn mạnh, bản chất của Grab, Uber và taxi truyền thống là như nhau, đều kinh doanh vận tải, nên phải đảm bảo công bằng.

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 mới nhất, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi lại định nghĩa về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, bổ sung thêm kinh doanh các công đoạn vận tải, như quyết định giá cước (kể cả qua phần mềm). Với định nghĩa này, Grab đương nhiên sẽ thành vận tải taxi, do tự quyết giá cước.

Dự thảo cũng đặt ra điều kiện, taxi công nghệ phải gắn phù hiệu “xe taxi” trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe như taxi truyền thống; gắn hộp đèn (mào) chữ “TAXI ĐIỆN TỬ” cố định trên nóc xe.

LÊ HỮU VIỆT

Theo Báo Tiền Phong

largeer