Lùm xùm tại bãi rác Đa Phước: Đừng để dân gồng mình chống đỡ

Thứ năm, 05/07/2018, 17:05 PM

Người dân ở khu vực Nam Sài Gòn hằng ngày đang phải gồng mình sống chung với mùi hôi thối, ô nhiễm nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Loay hoay tìm hướng đi?

Khu vực Nam Sài Gòn bao gồm các địa phận huyện Nhà Bè, Bình Chánh và một phần quận 7.Theo tìm hiểu của PV, mùi hôi thối bắt nguồn từ khu vực bãi rác Đa Phước, bãi rác lớn nhất, nằm ở phía Tây Nam của thành phố. Khu vực này là đầu hướng gió Tây Nam, nên mùi hôi thối theo gió xâm nhập thành phố một cách dễ dàng.

Trong buổi họp báo thường kỳ của UBND TP.HCM diễn ra sáng 3/7 vừa qua, ông Nguyễn Toàn Thắng- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM cho biết: “Không phải đợi đến phản ánh của báo chí hay người dân, mà ngành tài nguyên môi trường có hệ thống quan trắc kết nối với trung tâm dự báo”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại buổi họp ngày 3/7.

Ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại buổi họp ngày 3/7.

Ông Thắng cho rằng, việc bãi rác Đa Phước gây mùi hôi thối, ô nhiễm là điều mà Sở TNMT TP.HCM đã dự báo từ trước. Người đứng đầu Sở TNMT cũng đánh giá: “Năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các mùa nên sẽ có mùi hôi”.

Được biết, Sở TNMT đã yêu cầu Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) áp dụng nhiều giải pháp hạn chế mùi ở bãi rác Đa Phước cũng như đề nghị công ty này áp dụng các biện pháp khẩn cấp chống mùi hôi trong mùa mưa.

Ngoài ra, cần đề xuất thêm nhiều giải pháp mới để hạn chế triệt để mùi hôi thối, ô nhiễm “tấn công” thành phố.

Theo ông Thắng, cần phải chuyển đổi công nghệ xử lý rác, nước thải mới hy vọng giảm thiểu triệt để mùi hôi, trả lại môi trường trong sạch cho thành phố.

“Việc chôn lấp rác, cho dù có xử lý thế nào cũng vẫn gây ra mùi. Chỉ có giảm lượng chôn lấp, áp dụng đốt rác mới có thể giảm mùi hôi. Việc quan trọng nhất là cần phải chuyển đổi công nghệ xử lý rác để đảm bảo môi trường cho thành phố.” – Ông Thắng phát biểu.

Có thể thấy, người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường của thành phố đã nhìn ra vấn đề gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho khu vực Nam Sài Gòn.

Tuy vậy, dư luận vẫn đặt nhiều nghi vấn về sự chậm chạp trong việc xử lý vấn đề ô nhiễm theo phản ánh của người dân.

Bởi lẽ, vụ việc được phát giác từ năm 2016, đến nay đã hơn 2 năm, mà những vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại khu vực trên vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người dân.

Trong khi đó, mức phạt trên 1,5 tỷ đồng đối với VWS như người đứng đầu ngành tài nguyên thành phố đã nêu có vẻ như chỉ là hình thức.

Đằng sau mức phạt ấy, người dân khu vực Nam Sài Gòn vẫn phải hằng ngày sống chung với ô nhiễm, hôi thối và luôn tự hỏi, khi nào điều đó mới chấm dứt.

Bãi rác Đa Phước xử lý khối lượng lớn rác thải mỗi ngày.

Bãi rác Đa Phước xử lý khối lượng lớn rác thải mỗi ngày.

Dù Thanh tra Chính phủ đã từng vào cuộc và phát hiện những sai phạm tại bãi rác Đa Phước nhưng cho đến thời điểm hiện tại, mọi thứ vẫn cứ tiếp diễn như cũ.

Gồng mình sống chung với ô nhiễm

Cứ đến mùa mưa hằng năm, tầm tháng 5 trở đi, sự ảnh hưởng của thời tiết, sức gió lên cao khiến cho mùi hôi thối theo gió len lỏi khắp các ngóc ngách.

Có mặt tại các địa điểm thuộc khu vực Nhà Bè, quận 7…, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận thực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, mùi hôi thối bốc lên, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Anh N.V.T (một người dân sống ở chung cư Belleza, đường Phạm Hữu Lầu, quận 7) chia sẻ: “Trời đứng gió thì còn đỡ, gió lên một chút là mùi hôi nồng nặc bay theo gió đến khu vực chúng tôi sống.

Cứ khoảng đêm muộn, trời mát, có gió là mùi hôi lại bốc lên. Chúng tôi toàn phải đóng kín cửa ở trong nhà, bật điều hòa để tránh mùi hôi”.

Người dân chung cư Belleza và người dân khu vực Nam Sài Gòn đang phải gồng mình chống đỡ mùi hôi thối từ bãi rác.

Người dân chung cư Belleza và người dân khu vực Nam Sài Gòn đang phải gồng mình chống đỡ mùi hôi thối từ bãi rác.

Còn anh T.N.N.L (một cư dân ở khu vực đường Nguyễn Lương Bằng) bức xúc: “Mùi hôi này mấy năm nay rồi. Chúng tôi coi như chung sống với nó. Nói thật là chịu không nổi, đã lên tiếng nhiều lần nhưng có được giải quyết đâu.

Mà cũng lạ lắm, mùi hôi có lịch trình hay sao đó, cứ tầm 3, 4 giờ sáng và khoảng 8, 9 giờ tối là nó lại nồng nặc, các giờ khác đỡ hơn. Có lẽ do những khung giờ trên trời nổi gió nhiều.”

Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, mùi hôi thối ô nhiễm còn “đe dọa”, cản trở các hoạt động mưu sinh hoặc hưởng thụ cuộc sống của của người dân nơi đây. Nhiều người dân không dám ra đường uống cà phê, hoặc “ngại” ra ngoài vì sợ mùi hôi. Thậm chí, cứ đêm về là cố thủ trong nhà.

Trước đó trong nhiều năm liên tiếp vấn đề này đã được người dân và báo chí lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn phải gồng mình chống đỡ với mùi hôi.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

HOÀNG MINH - NGHỊ TRAI

Theo MTVDT

largeer