Mang nghệ thuật dân gian ra phố đi bộ Nguyễn Huệ

Thứ tư, 10/04/2019, 09:40 AM

Lần đầu tiên, Festival nghệ thuật dân gian Việt Nam sẽ được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ ngày 13-15/4 (nhằm ngày 9 - 13/3 âm lịch) đúng dịp giỗ tổ Hùng Vương.

Chương trình sẽ mang đến cho người dân TP.HCM cũng như du khách trong và ngoài nước một không gian văn hóa mang đậm nét truyền thống, sinh động và chân thực về đời sống, sinh hoạt và cảnh quan của người dân ba miền Bắc - Trung - Nam.

Festival nghệ thuật dân gian Việt Nam lần I năm 2019 với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ mọi miền đất nước sẽ trình diễn nhiều loại hình, tiết mục tiêu biểu như múa cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử, múa Khmer, trò Xuân Phả (Thanh Hóa), múa Xòe, múa Sạp (Tây Bắc), múa bóng rỗi... góp phần gắn kết tinh thần văn hóa cộng đồng, đưa nghệ thuật dân gian đến gần hơn với công chúng và trở thành một hoạt động thường niên. Chương trình sẽ là sự hoà quyện giữa nghệ thuật truyền thống và hơi thở của cuộc sống đương đại, giúp bảo tồn và lưu truyền đến với các thế hệ đi sau, tiếp nối văn hóa dân tộc.

Trong 3 ngày lễ hội, các tiết mục diễn ra luân phiên từ sáng đến chiều tại 5 sân khấu chính. Tại đây, người dân cũng có thể tham gia giao lưu với các nghệ nhân để tìm hiểu về lịch sử, đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật dân gian.

NSND Vương Duy Biên, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, tổng đạo diễn chương trình.

NSND Vương Duy Biên, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, tổng đạo diễn chương trình.

NSND Vương Duy Biên, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, tổng đạo diễn chương trình chia sẻ, lâu nay nghệ thuật dân gian ít khi được xuất hiện ở những sân khấu chính, nhà hát lớn, mà chỉ tồn tại ở làng xã, vùng nông thôn, bản làng. Giờ đây, nghệ thuật ấy được xuất hiện ở những chỗ đông người hơn, có sự tương tác lớn, để con cháu chúng ta hiểu hơn về nền nghệ thuật dân gian đang tồn tại ở Việt Nam.

Bà Lưu Thị Hồng Diễm, Trưởng ban tổ chức cho biết, yếu tố cốt lõi nhất của nghệ thuật dân gian  là không gian. Vì vậy, tuy tốn khá nhiều chi phí để tạo ra những không gian đặc trưng, nhưng BTC vẫn quyết làm vì muốn giữ gìn giá trị truyền thống cội nguồn, những tinh hoa dân tộc Việt Nam. Đây là một hoạt động bổ ích, tạo nên bảo tàng “sống” về văn hóa, nhằm “kéo” trẻ em cũng như người lớn rời khỏi chiếc điện thoại di động, iPad… để khám phá, vui chơi, thưởng thức nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân tộc. Bà Diễm kỳ vọng, chương trình nhận được hiệu ứng tốt của dư luận, tạo được thương hiệu Festival để có thể tổ chức thường niên và ngày càng đặc sắc hơn.

Ngọc Bích

Theo nguoitieudung.vn

largeer