Một số DN “trốn” lên sàn vì lãnh đạo không muốn công khai, minh bạch

Thứ tư, 19/09/2018, 13:53 PM

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho rằng một số doanh nghiệp “trốn” lên sàn, ngoài lý do khách quan còn là do lãnh đạo không muốn công khai, minh bạch, do tư tưởng vẫn còn cũ.

Lãnh đạo Chính phủ tháng 7/2017 có yêu cầu Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính công khai danh sách 730 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhưng chậm lên sàn chứng khoán, đồng thời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ quy định đưa cổ phiếu lên sàn. Xin ông cho biết con số này đến thời điểm hiện tại đã thay đổi như thế nào? 

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Năm 2016, 2017, 2018, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ thì các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều đã khẩn trương thực hiện niêm yết. Trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp qua thống kê vào giữa năm 2017 là 747 doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa niêm yết.

Con số này sau khi công bố, công khai chúng tôi đã giao cho Ủy ban Chứng khoán tiến hành kiểm tra từng doanh nghiệp một để xem các doanh nghiệp đó đã thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán chưa, hay đăng ký niêm yết có vướng mắc như thế nào? Có vi phạm không?

Trong năm 2017, Ủy ban Chứng khoán đã tiến hành kiểm tra khoảng hơn 300 doanh nghiệp. Chúng tôi cũng thấy có một số doanh nghiệp không đủ điều kiện để niêm yết đăng ký giao dịch, ví như: công ty cổ phần không đủ cổ đông, công ty không có lợi nhuận, mô hình doanh nghiệp đã thay đổi….

Vừa qua, qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện một số doanh nghiệp không đủ điều kiện để niêm yết đăng ký giao dịch, hoặc đã đăng ký rồi nhưng không đủ điều kiện nữa… thì chúng tôi đã cho ra khỏi sàn.

Trong năm năm 2018 Ủy ban Chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp còn lại gồm khoảng hơn 300 doanh nghiệp nữa.

Ngoài lý do khách quan là chưa đủ điều kiện để thực hiện niêm yết thì đâu là lý do chủ quan, thưa ông?

Nói thẳng ra, lý do chủ quan là vì người lãnh đạo không quan tâm. Bên cạnh đó, do tư tưởng vẫn còn cũ, vẫn là “anh” lãnh đạo doanh nghiệp cũ. “Anh” sang công ty cổ phần nhưng không muốn công khai, minh bạch.

Thêm lý do nữa là do đôn đốc, kiểm tra của các cơ quan chủ sở hữu. Chúng ta chưa làm quyết liệt. Giai đoạn trước, việc đăng ký giao dịch niêm yết vẫn còn nhiều thủ tục  và doanh nghiệp cũng phàn nàn. Tuy nhiên, các thủ tục giao dịch và niêm yết đã thay đổi, hiện nay đã thuận lợi…

Đối với những doanh nghiệp cũ, Ủy ban Chứng khoán tiến hành kiểm tra và cũng đã hướng dẫn. Doanh nghiệp nào đủ điều kiện rồi thì được hướng dẫn làm thủ tục.  Còn doanh nghiệp nào đã đủ điều kiện, được hướng dẫn nhưng vẫn trốn tránh thì mới tiến hành xử phạt vì đã không thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đại chúng.

Ông có nói đến việc một trong những lý do các doanh nghiệp dù đã cổ phần hóa nhưng vẫn trốn tránh niêm yết là do lãnh đạo của các doanh nghiệp này không muốn “công khai, minh bạch” – Ông có thể chia sẻ rõ hơn về lý do này?

Lý do doanh nghiệp không muốn “công khai, minh bạch” có nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo nguyên tắc cơ chế thị trường của chứng khoán, bất kỳ một giao dịch nào lớn của ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải đưa ra HĐQT quyết định và đại hội cổ đông thường niên. Ví như “anh” mua nhà, tuyển dụng nhân sự lớn… thì đều phải đưa ra. Như vậy, đối với những người không muốn đổi mới tư duy, không tuân thủ theo quy định pháp luật và họ vẫn muốn cơ chế thủ trưởng, cơ chế không dân chủ thì người ta không muốn…

Vậy chế tài đối với doanh nghiệp chậm niêm yết thế nào, thưa ông?

Sau cổ phần hóa, chúng ta khuyến khích doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ đăng ký giao dịch, niêm yết, nhưng nhiều doanh nghiệp trốn tránh, dù đây là yêu cầu bắt buộc. Người đại diện vốn, giữ cổ phần chi phối sẽ bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đủ điều kiện mới được niêm yết. Còn việc đăng ký giao dịch không cần nhiều điều kiện, nhưng sẽ được theo dõi , giám sát.

Chế tài cũng rất rõ ràng, khi đã là công ty đại chúng, nếu không niêm yết sẽ bị xử lý theo luật chứng khoán.

Tới đây, có nhưng trường hợp chúng ta sẽ đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét xử lý. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện mà cố tình không lên sàn thì sẽ công bố công khai, tạo sức ép dư luận.

Còn những công ty không phải đại chúng là những công ty cổ phần bình thường, cổ đông ít không đủ điều kiện để thực hiện theo các quy định Luật Chứng khoán thì chúng ta không thể xử phạt bình thường được mà chỉ xử phạt theo Luật Doanh nghiệp nếu họ vi phạm.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục công khai danh sách những doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng “trốn” niêm yết trên sàn chứng khoán.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

Theo Tổ Quốc

largeer