Mùi hôi ‘lạ” khu vực Đa Phước đang tiếp tục “hành hạ” người dân

Thứ hai, 17/09/2018, 19:17 PM

5 ngày sau phản ánh mùi “hôi” lạ nghi vấn phát xuất từ Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường đô thị Hoà Bình (Hoà Bình) và Nhà máy Xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh (Sài Gòn Xanh), ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân quanh khu vực 2 xã Phong Phú và Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM), chưa thấy cơ quan chức năng nào ở TP.HCM lên tiếng về việc này. Trong khi mùi “hôi” lạ vẫn đang tiếp diễn. Thậm chí, mưa to trong các ngày 16 - 17/9, càng làm mùi hôi thối nặng hơn, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân.

Từ phản ánh của người dân, qua ghi nhận thực tế, phóng viên Báo Người Tiêu Dùng phát hiện 2 đơn vị gồm: Hòa Bình và Sài Gòn Xanh đã sử dụng những bể chứa, bãi chứa, khu ủ… phân hầm câu và bùn thải khổng lồ “lộ thiên”, không che đậy ngay trong khuông viên công ty. Khu vực này cũng được xem là nơi tập kết phân hầm cầu và bùn thải lớn nhất tại địa bàn TP.HCM hiện tại.

Tiếp tục “hành hạ” người dân!

Sáng 17/9, Báo Người Tiêu Dùng tiếp tục nhận được phản ánh của người dân quanh khu vực này. Họ cho biết, mùi hôi không những không thuyên giảm mà còn phát tán mạnh hơn, mùi hôi nặng hơn. Đặc biệt, đêm và sáng ngày 17/9 do mưa kéo dài, mùi hôi có thời điểm vượt ngoài sức chịu đựng của người dân.

Bà Nguyễn Thị Sáu (ấp 1, xã Phong Phú) bức xúc: “Trời nắng thì đỡ hơn nhưng từ hôm qua đến nay mưa lớn kéo dài nên mùi hôi không thể nào chịu được. Ở đây nhà dân bị quy hoạch treo 15 năm nay, không cho xây cất nên nhà ở đã xuống cấp, trống trước trống sau mùi hôi xộc thẳng vào nhà, người lớn, trẻ nhỏ hít trực tiếp như thế, bây giờ nguyên xóm bị viêm mũi hết rồi!”.

Người dân tiếp tục phản ánh với Báo Người Tiêu Dùng sáng 17/9 về mùi hôi

Người dân tiếp tục phản ánh với Báo Người Tiêu Dùng sáng 17/9 về mùi hôi "lạ", nghi vấn phát xuất từ Hoà Bình và Sài Gòn Xanh (Ảnh: H.A)

Ông Nguyễn Văn Tư (ngụ A16/480, ấp 1, xã Phong Phú) nói: “Nhà nước đã có quy hoạch treo từ mười mấy năm nay, thì bố trí tái định cư hoặc đền bù để chúng tôi đi nơi khác, chứ sao nỡ để chúng tôi bị “hành hạ” bởi một mùi hôi kinh khủng trong thời gian dài như vậy? Cơ thể tôi bây giờ đủ thứ bệnh, từ phổi, tiểu đường, viêm gan đến viêm xoang… người thì già cả, sống những ngày cuối đời còn không được yên ổn!”.

Bà Lê Thị Mỹ Dung (ấp 1, xã Phong Phú) cho biết, hiện nay khu vực này không những ô nhiễm không khí mà còn ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Nước uống thì đi mua ở ngoài, còn nước sông trẻ em hay người lớn động vào là bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa ngái ngay.

“Nhà tôi vốn mưu sinh bằng nghề đánh cá và nuôi trồng thủy sản, lúc đó ba tôi còn khỏe mạnh và là lao động chính, cáng đáng mọi công việc trong gia đình. Hai năm trước, nguồn nước bắt đầu ô nhiễm trầm trọng khiến cá, tôm chết sạch, kinh tế gia đình tôi đi xuống. Không những vậy, sau một thời gian tiếp xúc với nước bẩn, ba tôi từ một người khỏe mạnh bỗng trở bệnh và qua đời không lâu sau đó” - bà Dung nói thêm.

Hoà Bình khẳng định “vô tội”, Sài Gòn Xanh… im lặng

Người dân phản ánh là vậy, song khi trả lời phóng viên tại buổi làm việc sáng 17/9, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Hòa Bình khẳng định, nhà máy xử lý chất thải hầm cầu không phải là nguồn gốc của ô nhiễm và mùi hôi thối độc hại. Nhà máy này luôn tuân thủ đúng quy định, quy trình xử lý đã được phê duyệt. Trong hồ sơ phê duyệt thiết kế cũng không yêu cầu bể chứa phải che đậy. Tuy nhiên, từ phản ánh của Báo Người Tiêu Dùng, công ty thừa nhận hạn chế, phản cảm khi để các bể chứa “lộ thiên”, dẫn đến hiểu nhầm có thể phát tán mùi hôi.

Dù khẳng định

Dù khẳng định "vô tội", Công ty Hoà Bình thông vẫn cho che chắn lại khu vực bể chứa phân hầm cầu (Ảnh: H.A)

“Quy mô của công ty rất nhỏ, chỉ khoảng 1,8 ha, mỗi ngày tiếp nhận tối đa khoảng 10 xe bồn chứa phân hầm cầu để xử lý. Công nghệ xử lý vẫn đáp ứng điều kiện môi trường về cả khí lẫn nước thải. Công ty đã về đây hơn 10 năm mà theo phản ánh của người dân chỉ mới phát hiện mùi hôi “lạ” cách đây 2 - 3 năm”, người đại diện Hòa Bình nói.

Cũng theo ông Dũng, bằng tinh thần cầu thị nhất, Hòa Bình tiếp thu phản ánh của báo chí và người dân đã nhanh chóng tiến hành cho công nhân làm rào chắn, phủ bạt và di chuyển các núi bùn thải lộ thiên thừa bên ngoài vào trong khu nhà xưởng khép kín.

Trong khi đó, đến thời điểm này Nhà máy Xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào về phía báo chí và phản ánh người dân. Hai lần liên tiếp, đơn vị này từ chối tiếp phóng viên khi liên hệ làm việc với lý do lãnh đạo đi vắng.

Theo phản ánh của người dân, bùn thải mang mùi hôi được Sài Gòn Xanh đưa về đây xử lý một phần xuất phát từ điểm nạo vét bùn thải để xử lý công trình chống ngập nước của Tập đoàn Trung Nam. 

Mùi hôi từ phân, bùn thải “khủng khiếp” đến cỡ nào?

TS. Dương Quốc Sỹ, nguyên PGĐ Trung tâm Môi trường Công nghiệp cho hay, mùi hôi thối khó chịu, độc hại, có nhiều nguồn gốc khác nhau, bản chất khác nhau. Một số mùi thường biết là amoniac (NH3) (có nhiều trong nước tiểu, rác thải mới tiếp nhận…); Hydrogen sulfide (H2S) (có nhiều trong xác động vật phân phủy, rác thải lâu ngày, chất thải trong sinh hoạt, chế biến thực phẩm, chăn nuôi, phân, bùn, chế biến cao su … ).

Chất khí H2S trong điều kiện chuẩn có tỷ trọng là 1,363g/dm3 và khí NH3 có tỷ trọng là khoảng 0,7g/dm3. Không khí có tỷ trọng khoảng 1,18g/dm3. Do vậy, H2S không có khuynh hướng phát thải đi xa vì tỷ trọng cao và được tăng cường nếu có yếu tố mưa hay nhiệt độ thấp. Ngược lại, NH3 có khuynh hướng thoát lên cao vì tỷ trọng thấp.

Từ yếu tố này có thể thấy, mùi hôi có trong phân, bùn thải có khả năng phát tán đi xa và gây ảnh hưởng đến các vùng lân cận.

Còn theo TS, BS.Nguyễn Minh Tuấn, mùi hôi thối, độc hại là một trong số các nguyên nhân chủ yếu gây ra các căn bệnh về hô hấp. Thậm chí, nếu chất thải hầm cầu, bùn thải chất thành núi sẽ có nguy cơ ngấm vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước.

“Chung quy là những mùi hôi thối sẽ kích thích phản xạ đường hô hấp gây hắt xì, sổ mũi; nếu người có cơ địa dị ứng có thể gây viêm mũi dị ứng, hen suyễn. Đặc biệt, mùi hôi từ chất thải hầm cầu, bùn thải có nhiều vi khuẩn gây bệnh có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp.

Khi chất ngấm từ bùn thải nếu có những kim loại nặng hoặc các hóa chất độc hại có thể là mầm mống của các căn bệnh nặng, có thể là ung thư!” - Bác sĩ Tuấn cho biết thêm.

Nhóm PVĐT

Theo NTD

largeer