Mười năm, nhiều cổ phiếu tăng giá trên 20 lần

Thứ hai, 22/07/2019, 09:23 AM

Hơn 10 năm qua, chỉ số VN-Index tăng 4,2 lần với nhiều cổ phiếu tăng giá vài chục lần đã tạo lực hút hấp dẫn đại đa số nhà đầu tư chứng khoán.

Top các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HOSE, giai đoạn 24/2/2009-18/7/2019.

Top các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HOSE, giai đoạn 24/2/2009-18/7/2019.

Những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất

Sau cuộc khủng hoảng tài chính nợ dưới chuẩn từ thị trường địa ốc của Mỹ vào năm 2008, chứng khoán Mỹ cũng như Việt Nam cùng tạo đáy vào đầu năm 2009 và đã có cuộc leo dốc tăng giá 4,2 lần trong 10 năm qua.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến nhiều cổ phiếu tăng vài chục lần, thậm chí vài trăm lần chỉ trong thời gian ngắn. Gần đây cổ phiếu VNX gây sốt khi tăng 1.850 lần chỉ trong vòng 8 năm, trở thành cổ phiếu có chu kỳ tăng giá mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng VNX là mã chứng khoán có số lượng cổ phiếu lưu hành siêu nhỏ, thanh khoản cực kém trên thị trường nên rất hiếm có người hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá khủng này. Mặc dù tăng giá mạnh nhưng vốn hóa của VNX cũng chưa đạt 80 tỷ đồng.

Sau khi chỉ số VN-Index xuống đáy vào ngày 24/2/2009, nhiều cổ phiếu bật dậy và tăng mạnh mẽ đến nay. Dẫn đầu danh sách tăng giá trong giai đoạn này tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) là cổ phiếu VIC (tăng 36,6 lần), VNM (23,4 lần), GMC (20,6 lần). Nhóm tăng từ 10-20 lần có các mã: VHC, FMC, BMP, DRC, HBC, HPG, TRA, NSC.

Bình quân mỗi năm, VIC tăng 41,22% còn VNM tăng 34,25%. Đây là một mức tăng rất tuyệt vời nếu so với mức 13,85%/năm của VN-Index trong cùng thời gian trên. Sự ổn định này đã giúp VIC và VNM luôn duy trì top đầu vốn hóa. Hiện nay, tổng vốn hóa của cặp đôi này tương đương hơn 10% GDP năm 2018 của Việt Nam.

Nhà đầu tư Lục Văn Cường (Q. Tân Phú, TP.HCM) nhận định: Điều dễ nhận thấy ở Vingroup và Vinamilk là công ty không ‘móc túi’ cổ đông bằng việc phát hành cổ phiếu. Cả 2 đơn vị này duy trì việc trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu xen kẽ với các lần phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ. Chưa dừng ở đó, lĩnh vực kinh doanh cốt lõi có thị phần luôn đứng đầu với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn. Ngoài ra, công ty còn có ban lãnh đạo tâm huyết, gắn bó trọn đời. Chính sách lương thưởng khiến nhân viên luôn tâm huyết, cống hiến nhưng không gây xung đột với quyền lợi của cổ đông.

Cổ phiếu VIC và VNM tăng giá lần lượt 41,215% và 34,25%/năm nhưng không có gì bảo đảm sẽ có tốc độ tăng như thế trong tương lai. Ảnh: Vinamilk chinh phục người tiêu dùng bằng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và liên tục cải tiến theo các xu hướng dinh dưỡng tiên tiến trên thế giới.

Cổ phiếu VIC và VNM tăng giá lần lượt 41,215% và 34,25%/năm nhưng không có gì bảo đảm sẽ có tốc độ tăng như thế trong tương lai. Ảnh: Vinamilk chinh phục người tiêu dùng bằng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và liên tục cải tiến theo các xu hướng dinh dưỡng tiên tiến trên thế giới.

Để lựa chọn cổ phiếu có khả năng tăng giá mạnh

Để VN-Index hay Dow Jones Industrial Average (Dow 30) có sự tăng 4,2 lần, tương đương mức sinh lời 13,85%/năm thì nền kinh tế cần có những cú sốc. Cuộc khủng hoảng tài chính nợ dưới chuẩn từ thị trường địa ốc của Mỹ vào năm 2008 đã cuốn phăng 54% điểm số của Dow 30 còn VN-Index mất 80% giá trị.

So với với mức đỉnh trong năm 2007, hiện nay, Dow 30 đã tăng 92% trong khi đó, VN-Index vẫn còn bị âm 17%. Điều này khiến đa số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu từ đỉnh của năm 2007 đến nay bị thua lỗ với sự góp mặt nhiều cổ phiếu tên tuổi lớn. Đó là các mã: ITA, SAM, TDH, PVD, SJS, BMI, STB, GMD với mức giảm hơn 50% trong khi gửi ngân hàng với lãi suất bình quân 10%/năm thì số tiền hiện nay đã tăng hơn 3 lần. Bên cạnh đó vẫn có nhiều mã tăng tốt như: VNM (tăng 8,9 lần), LGC (7 lần), DHG (6,6 lần), TCT (5,7 lần), NSC (4,3 lần), GMC (4,2 lần)...

Để sở hữu một trong số những cổ phiếu trên, nhà đầu tư cần gì? Ông Lục Văn Cường cho rằng, trên thị trường có những công ty rất tốt, trung bình và rất tệ. Để chọn được công ty tốt, nhà đầu tư phải xem xét các yếu tố định tính như: Sản phẩm, lợi thế cạnh tranh, ngành hoạt động, năng lực ban lãnh đạo... và các yếu tố định lượng như: Tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản, biên lợi nhuận... Theo Monish Prabai, có 4 nhóm công ty có thể mang lại cho chúng ta chiếc túi 10 gang (tăng 10 lần vốn đầu tư). Điều này cũng phù hợp với triết lý của Peter Lynch.

Nhóm thứ nhất là các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững mà bất cứ ai cũng có thể điều hành được nhưng nhóm này không nhiều. Đặc điểm chung là tỷ suất sinh lợi trên vốn cao, hoạt động độc quyền hoặc được nhà nước bảo hộ. Đó là các mã: GAS, TCT, WCS, DSN... Mặc dù là công ty tốt nhưng không phải mức giá nào cũng đầu tư được. Warren Buffett cho rằng ngay cả một công ty tốt cũng có thể là một khoản đầu tư tồi tệ nếu trả mức giá quá cao.

Nhóm thứ hai là các công ty dẫn đầu trong một ngành nhưng cần có ban lãnh đạo giỏi mới có thể thành công được. Các công ty này hoạt động trong ngành cạnh tranh, có sản phẩm, dịch vụ được khách hàng ưa chuộng như: VNM, MWG, PNJ... Nhóm này cũng có tỷ suất sinh lợi trên vốn cao, doanh thu tăng trưởng tốt, cấu trúc tài chính vững mạnh... và tất nhiên là có ban lãnh đạo giỏi.

Nhóm thứ 3 là các công ty có rủi ro thấp nhưng bất ổn cao. Đặc điểm của những công ty này là doanh thu và lợi nhuận thường biến động, có khi rất mạnh và có một mẫu hình mà Charlie Munger gọi là công thức phẫu thuật ung thư. Một công ty có hoạt động kinh doanh tương đối ổn định nhưng vì sai lầm trong quản lý nên tham gia vào một dự án thất bại làm cho lợi nhuận tổng thể sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Sau đó, ban lãnh đạo quyết định rút lui khỏi dự án. Đây là thời điểm có thể đầu tư vào công ty với mức giá rất rẻ. Vào năm 2014-2015, VCS gánh chịu thua lỗ của Công ty Style Stone. Ngay sau đó, ban lãnh đạo quyết định chuyển Style Stone về cho Phượng Hoàng Xanh A&A. Cổ phiếu VCS đã từng gây sốt khi tăng giá 77 lần trong giai đoạn 2013-2018

Nhóm công ty thứ 4 được Monish Prabai gọi là khiêu vũ trên mộ. Những công ty này chuyên đi mua các doanh nghiệp thua lỗ nhằm tận dụng lợi thế thuế và thay đổi ban lãnh đạo, phương thức hoạt động để cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty... Ở Việt Nam chưa thấy công ty nào thành công trong lĩnh vực này.

TRÍ NGUYỄN

Theo NTD

largeer