Mỹ: Amazon và cuộc đối đầu chính trị tả-hữu

Thứ tư, 20/03/2019, 15:20 PM

Quyết định của tập đoàn Amazon từ bỏ kế hoạch xây dựng tổng hành dinh (headquarter) thứ hai tại Long Island, New York, gây bất ngờ cho giới doanh nghiệp, đồng thời làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về tương lai của chủ nghĩa tư bản, không chỉ trong phạm vi nước Mỹ.

Trụ sở của Amazon ở Seattle. Ảnh: TL

Trụ sở của Amazon ở Seattle. Ảnh: TL

Chỉ hai năm trước, khi Amazon công bố kế hoạch tìm địa điểm xây dựng một trụ sở thứ hai ở khu vực Bắc Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của công ty một cuộc tranh đua diễn ra gay gắt giữa hàng trăm thành phố cả Mỹ và Canada.

Để thuyết phục Amazon, hầu như thành phố nào cũng ra sức quảng bá các tiềm năng và lợi thế, đồng thời đề xuất những chính sách ưu đãi vượt trội về đất đai và thuế. Cuối cuộc đua, tháng 11 năm ngoái, Amazon công bố quyết định chọn Long Island, hạt Queens, thuộc thành phố New York, làm địa điểm xây dựng một khu phức hợp mới. Đổi lại, New York sẽ dành cho Amazon khoản ưu đãi tài chính lên tới 3 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu là các khoản miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thế nhưng đầu tháng 3 này Amazon đột ngột công bố hủy bỏ kế hoạch mở trụ sở ở New York và ngừng việc xem xét mở trụ sở ở các địa phương khác ngoài Seattle. Lý do, theo giới quan sát, là do Amazon vấp phải sự phản đối quyết liệt của các chính trị gia, dân biểu, giới công đoàn và hoạt động xã hội ở địa phương, những người không muốn ưu ái cho các doanh nghiệp lớn vì tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng. Luận điểm chính của những người phản đối là không nên ưu đãi cho Amazon tới 3 tỉ đô la tiền thuế mà thay vì vậy chính quyền phải thu đủ thuế để có tiền tài trợ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế-giáo dục, cải thiện đời sống người nghèo.

Câu chuyện của Amazon sẽ chẳng đáng để chú ý nếu đó chỉ là một sự trục trặc trong hoạt động kinh doanh bình thường của một doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh chính trị Mỹ bị phân cực sâu sắc thì đó lại là một biểu hiện rõ nét cho sự đối lập giữa phe tả và phe hữu, giữa Dân chủ và Cộng hòa.

Đảng Cộng hòa nói chung, Tổng thống Donald Trump nói riêng, có quan điểm ủng hộ các doanh nghiệp lớn và cho rằng hoạt động kinh tế có tác động lan tỏa theo chiều hướng “thấm xuống”. Một doanh nghiệp thành công sẽ tạo ra công việc làm cho người lao động, nhà tư bản được lợi nhuận thì người công nhân cũng được hưởng lợi và nền kinh tế được kích thích.

Ông Trump cho rằng, doanh nghiệp được giảm thuế thì lợi nhuận sẽ tăng lên và khoản tiền gia tăng này sẽ được tái đầu tư vào kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.

Đảng Dân chủ chú trọng nhiều hơn vào công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa chủ và thợ, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng hỗ trợ y tế và giáo dục cho người nghèo và các cộng đồng thiểu số trong xã hội. Để làm được những điều đó, cần phải tăng thuế đánh vào doanh nghiệp lớn, người giàu. Hai khuôn mặt nổi bật của đảng Dân chủ sẽ ra tranh cử quyền đại diện cho đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bang Vermont và Thượng nghị sĩ bang Massachusettes Elizabeth Warren, đều công khai thừa nhận mình là người Dân chủ Xã hội (Democrat Socialist), phấn đấu cho một thể chế dân chủ xã hội, trong đó phúc lợi của người dân được đề cao như các nước ở Bắc Âu. Với ưu thế đa số mới giành được ở Hạ viện, đảng Dân chủ đang kỳ vọng sẽ chỉnh sửa lại được đường đi của nước Mỹ sau hai năm bị lung lạc dưới chính quyền của Tổng thống Trump.

Đảng Cộng hòa và đặc biệt là Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng lên án những quan điểm như vậy và cho rằng chúng đang đe dọa tự do cá nhân của người dân Mỹ.

Cuộc đấu tranh “ai thắng ai” sẽ còn kéo dài trong đời sống chính trị Mỹ và ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các doanh nghiệp. Facebook, Google và Amazon đã bắt đầu rơi vào tầm ngắm của các cơ quan hoạch định chính sách và sắp tới sẽ có thêm nhiều “ông lớn” nữa bị kẹt giữa hai “làn đạn” bên trái và bên phải. Chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2020 đã bắt đầu và từ nay đến đó các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt với những cuộc điều tra, điều trần, những thỏa thuận bị đổ vỡ, những vụ kiện rắc rối và tốn kém.

Sự vỡ mộng của Amazon ở New York là trường hợp đầu tiên nhưng chắc không phải là trường hợp cuối cùng. 

Thái Bình

Theo thesaigontimes.vn

largeer