Mỹ "ngấm đòn" khi Trung Quốc ngừng mua nông sản

Thứ năm, 08/08/2019, 13:37 PM

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hành động lấy nông sản nhập khẩu làm công cụ đối phó với Mỹ của Trung Quốc lại được đánh giá cao hơn về mặt tác động.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung sẽ có bước đi thế nào trong thời gian tới. Ảnh: Reuters

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung sẽ có bước đi thế nào trong thời gian tới. Ảnh: Reuters

Vừa qua, chính quyền ông Trump đã liệt Bắc Kinh vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố doanh nghiệp nước này ngừng mua nông sản của Mỹ. Đồng thời, quốc gia này cảnh báo sẽ không loại trừ khả năng áp thuế bổ sung đối với nông sản nhập khẩu từ Mỹ.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thuế nhập khẩu bổ sung có thể sẽ được áp đặt đối với những mặt hàng nông sản của Mỹ thuộc các hợp đồng nhập khẩu được ký kết sau ngày 3/8. Tuy nhiên, giá trị hàng nhập khẩu nông sản Mỹ có thể chịu mức thuế mới chưa được tiết lộ.

Điều này sẽ làm nông dân Mỹ mất một trong những khách hàng lớn nhất của họ. Đây có thể là một cú đánh có lực trong một năm vốn đã khó khăn đối với nông dân nước Mỹ; đồng thời làm tổn thương các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trực tiếp gắn liền với nông nghiệp.

Doanh số bán hàng đã giảm thấp hơn trong năm nay vì thuế quan. Theo chuyên gia Pat Westhoff, giám đốc Viện nghiên cứu chính sách nông nghiệp và lương thực tại Đại học Missouri cho biết, nếu Trung Quốc thực sự không mua nông sản Mỹ sẽ là một vấn đề rất lớn, đặc biệt là với những người nông dân trồng đậu nành.

Trung Quốc là nơi tiêu thụ đậu nành hàng đầu thế giới và chiếm khoảng 60% xuất khẩu đậu nành của Mỹ vào năm ngoái. Kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra, ước tính giá mặt hàng này đã giảm 9%, nhập khẩu đậu nành của nước này với Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ vào nửa đầu năm nay. 

Trong khi đó, các nông sản khác của Mỹ như thịt lợn và hoa quả đối mặt với làn sóng thuế trả đũa thứ hai từ Trung Quốc. Theo Rabobank, để sang được thị trường Trung Quốc, thịt lợn của Mỹ phải cõng tới 71% thuế các loại, nên sản phẩm này có nguy cơ phải đóng cửa thị trường khổng lồ Trung Quốc. 

Trước đây, Trung Quốc đánh thuế 10% đối với cherry nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, khi Tổng thống Donald Trump đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc đã nâng thuế đối với cherry Mỹ lên 25% và từ ngày 6/7 mức thuế này đã được nâng tiếp lên 50% để trả đũa việc Mỹ đánh thuế trị giá 34 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mặt khác, việc Mỹ đa dạng thị trường để hạn chế sự tổn hại từ thương chiến với Trung Quốc đang dần mất đi tác dụng. Dù Trung Quốc là thị trường lớn thứ tư đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Mỹ sau Canada, Mexico và Nhật Bản. Tuy nhiên, cả bốn đối tác lớn này đều đang có căng thẳng với Mỹ.

Trong khi hỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) sẽ cải thiện rất ít sự tiếp cận thị trường, Mỹ cũng đang trong quá trình xung đột nhẹ với Nhật Bản. 

Mặc dù xuất khẩu nông sản là một phần tương đối nhỏ trong tổng GDP 20 nghìn tỷ USD của Mỹ, nhưng việc Trung Quốc ngừng mua có khả năng làm trầm trọng thêm các vấn đề khác mà Mỹ đang phải đối mặt như thu nhập ròng từ các trang trại đã giảm 45% kể từ mức 123,4 tỷ USD vào năm 2013 xuống còn khoảng 63 tỷ USD vào năm 2018. 

Bất chấp việc Nhà Trắng bắt đầu tung ra gói viện trợ liên bang trị giá 16 tỷ USD vào tháng 5 để giúp nông dân vượt qua cuộc chiến thương mại và các tình huống khác. Nhưng giới quan sát cho biết phần lớn gói cứu trợ đó đã bỏ qua những hộ nông dân nhỏ và không phải là một giải pháp lâu dài.  

Trung Quốc đang từ bỏ chiến lược ngoại giao mềm mỏng. Nhưng nếu Trung Quốc cứ tiếp tục cứng rắn, chính quyền Mỹ sẽ càng tiếp tục leo thang căng thẳng. Và không chỉ nông dân Mỹ chịu thiệt hại, mà chính Trung Quốc, thậm chí là chuỗi thương mại toàn cầu cũng bị phá hủy. 

Cẩm Anh

Theo Enternews.vn

largeer