Mỹ tăng lãi suất có lợi cho xuất khẩu Việt Nam

Thứ bảy, 24/03/2018, 04:55 AM

Khi lãi suất tăng, đồng USD mạnh hơn so với các đồng tiền khác. Điều này đồng nghĩa hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn đối với người dân Mỹ kéo theo nhu cầu tăng.

Empty

Hôm thứ tư (21/3), Fed tăng lãi suất 0,25% lên khoảng 1,5 - 1,75%, đúng như dự báo của phần lớn thị trường. Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ khi Uỷ ban thị trường mở (FOMC) bắt đầu đưa lãi suất thoát khỏi vùng cận 0% vào tháng 12/2015.

Trao đổi với NDH, giáo sư Jack P. Suyderhoud, chuyên ngành Kinh tế Kinh doanh, trường Kinh doanh Shilder, Đại học Hawaii, Mỹ cho rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Giải thích cho quan điểm của mình, ông cho rằng khi lãi suất tăng, đồng USD mạnh hơn so với các đồng tiền khác. Điều này đồng nghĩa hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn đối với người dân Mỹ kéo theo nhu cầu tăng.

Đồng thời, ông Suyderhoud nhận định do Việt Nam đồng (VNĐ) được quản lý chặt chẽ nên ít bị ảnh hưởng bởi những bất ổn về thương mại.

"Điều đáng lo ngại nhất là những bất ổn trong chính sách thương mại các nước có thể lan tới thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, VNĐ sẽ ít chịu ảnh hưởng do được quản lý chặt chẽ".

Bà Phạm Chi Lan Chuyên gia kinh tế, cựu Tổng thư ký – Phó chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam đánh giá tỷ giá VNĐ/USD hiện nay khá ổn định.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng những bất ổn trong chính sách thương mại của Mỹ sẽ là rào cản lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Hôm mùng 8/3, tổng thống Donald Trump quyết định áp mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu từ nhiều nước trong đó có Việt Nam. Mới đây, Mỹ tuyên bố mức thuế cao ngất ngưởng từ 3,87 USD/kg- 7,74 USD/kg đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lo ngại hết đường xuất khẩu cá tra sang thị trường này do mức thuế mới gần bằng giá bán khoảng 4-5 USD/kg.

Bà Lan cho rằng, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump tăng cường thực hiện các biện pháp bảo hộ mậu dịch, Việt Nam cần mở rộng quan hệ đối tác với các nước khác, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ.

"Riêng hàng dệt may, lâu nay Việt Nam tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ mà chưa khai thác hết tiềm năng các thị trường khác trong đó có Châu Âu", bà Lan lấy ví dụ. Đồng thời, các các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký góp phần đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước và giảm sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ.

Đức Quỳnh

Theo ndh

largeer