Ngành mây tre đan xuất khẩu: Khó bứt phá dù thị trường lớn

Thứ hai, 13/05/2019, 10:29 AM

Bên cạnh việc được hưởng lợi về thuế từ các hiệp định thương mại tự do, ngành mây tre đan xuất khẩu cũng có tiềm năng lớn nhờ nhu cầu trên thế giới tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến ngành này khó vươn mình trong tương lai gần.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, 95% tổng giá trị sản phẩm của ngành mây tre vẫn là hàng truyền thống với mẫu mã cũ, chỉ có 5% sản phẩm chế biến công nghiệp.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, 95% tổng giá trị sản phẩm của ngành mây tre vẫn là hàng truyền thống với mẫu mã cũ, chỉ có 5% sản phẩm chế biến công nghiệp.

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 700 làng nghề mây tre đan, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, tạo việc làm cho trên 100.000 lao động. Các làng nghề này tiêu thụ mỗi năm 400-500 triệu cây tre nứa và khoảng 60.000-80.000 tấn mây. Các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia.

Theo số liệu của Bộ Công thương, quý 1/2019, ngành mây tre đan xuất khẩu được 113 triệu USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Đáng chú ý là giá trị xuất khẩu sang các thị trường này đều tăng, trong đó thị trường Mỹ tăng cao nhất. Ngoài các thị trường truyền thống, các thị trường mới như Tây Ban Nha, Nga, Ấn Độ cũng đang tăng nhập hàng mây tre đan của Việt Nam.

Dù có tiềm năng lớn, nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3% thị phần sản phẩm mây tre đan thế giới và chiếm thị phần rất nhỏ ở các thị trường xuất khẩu truyền thống. Cùng với nhu cầu tăng lên ở các thị trường, việc giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành cất cánh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá trị xuất khẩu sẽ khó bứt phá trong thời gian ngắn.

Hiện nay, thiếu nguồn cung chính là một trong những yếu tố quan trọng cản trở sự phát triển của ngành mây tre đan. Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nguồn cung nguyên liệu để sản xuất mây tre chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc. Vài năm qua, nguồn cung thiếu ổn định trong khi giá nguyên liệu lại tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu. Ước tính mỗi năm Việt Nam phải nhập thêm khoảng 33.000 tấn song mây để phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, điểm yếu nhất nằm ở khâu thiết kế. Các doanh nghiệp chủ yếu thiết kế theo kiểu truyền thống, chưa nắm bắt được nhu cầu sử dụng của thị trường thế giới. Bởi vậy hàng Việt Nam có giá thấp và bị cạnh tranh rất nhiều, nhất là hàng Trung Quốc. Trong năm 2018, một số thị trường truyền thống (như các nước châu Âu) giảm nhập hàng từ Việt Nam, khiến giá trị xuất khẩu chỉ tăng nhẹ, đạt 348 triệu USD.

Để giúp ngành mây tre xuất khẩu bứt phá, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để cải tiến sản phẩm. Tuy nhiên, điều này không dễ.

Để giúp ngành mây tre xuất khẩu bứt phá, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để cải tiến sản phẩm. Tuy nhiên, điều này không dễ.

Theo ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), ngoài các nguyên nhân trên, ngành này chưa thể bứt phá do thiếu hoạt động đổi mới. Trả lời Báo Người Tiêu Dùng, ông Ngọc nói, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 11 nhằm khuyến khích phát triển ngành nhưng chưa có ai làm.

Quyết định 11 (Chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre) ban hành từ năm 2011. Ngoài các chính sách phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ nguồn vốn, quyết định này còn có các khoản cụ thể nhằm hỗ trợ việc áp dụng công nghệ để đổi mới sản xuất. Dù vậy, đến nay, hiệu quả triển khai vẫn khá mờ nhạt.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), 95% tổng giá trị sản phẩm của ngành mây tre vẫn là hàng truyền thống, chỉ có 5% sản phẩm chế biến công nghiệp. Ông Ngọc đánh giá, để giúp ngành mây tre bứt phá trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải chủ động cải tiến mẫu mã và đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại.

Một doanh nghiệp xuất khẩu hàng mây tre ở Hà Nội nhận xét, doanh nghiệp cũng muốn đầu tư công nghệ để tăng giá bán sản phẩm, nhưng hiện nay phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều có quy mô vừa và nhỏ. Nguồn vốn để phát triển kinh doanh đã khó, tìm vốn để đầu tư công nghệ càng khó hơn. Nhất là khi giá bán sản phẩm không cao, không dễ thu hồi vốn.

Rõ ràng, dù tiềm năng lớn nhưng giải pháp giúp ngành mây tre xuất khẩu không dễ thực hiện trong thời gian ngắn. Ông Ngọc dự báo, trong năm 2019, giá trị xuất khẩu ngành này chưa thể đột phá ngay, cũng chỉ tăng khoảng 9-11% so với năm 2018, ước đạt gần 400 triệu USD.

Hoàng Yến

Theo NTD

largeer