Ngành ngân hàng đã đến lúc “cá nhanh” nuốt “cá chậm”?

Thứ ba, 19/06/2018, 16:14 PM

Các ngân hàng đang buộc phải chuyển đổi sang ngân hàng số vì sự sống còn. Khi đó, hàng nghìn nhân viên ngân hàng có thể mất việc và thay vào đó là công nghệ.

Tại nhiều ngân hàng, chi phí lương bằng lợi nhuận cả năm  - Ảnh: Tạ Tôn

Tại nhiều ngân hàng, chi phí lương bằng lợi nhuận cả năm - Ảnh: Tạ Tôn

Tiền chi cho nhân viên gần bằng lợi nhuận cả năm

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ viễn thông, giao dịch ngân hàng chỉ qua một chiếc điện thoại di động thông minh. Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienphongBank (TPBank), quan trọng là chi phí vô cùng rẻ: “Chúng tôi triển khai một sản phẩm cho vay với người thu nhập thấp phải tính toán 70% ứng dụng công nghệ, 30% nhân lực. Nếu chỉ dùng nhân lực thì chi phí bỏ ra lớn hơn thu nhập của ngân hàng”. Trên Fanpage của ngân hàng, khách hàng nhắn tin đến, nội dung trả lời hoàn toàn do máy thực hiện, giúp tiết kiệm nhân lực ngồi trực. Hay trong dịch vụ tra cứu, trước kia ngân hàng phải có hàng chục nhân viên nhập thông tin, chờ trả lời, copy thông tin vào các trường khác nhau thì nay đã có autobot thay thế và tự động đưa dữ liệu vào hệ thống. “Như vậy, tiết kiệm thêm vài chục nhân sự và rất nhiều chi phí”, Tổng giám đốc TPBank nói và cho biết thêm, với các chốt dịch vụ livebank đến nay đã rút toàn bộ nhân viên và chỉ còn máy móc vận hành.

Năm 2017, BIDV đã chi 7.182 tỷ đồng cho lương, phụ cấp của 24.588 cán bộ nhân viên, gần bằng lợi nhuận cả năm là 8.800 tỷ đồng. VietinBank năm 2017 cũng chi gần 6.700 tỷ đồng lương và phụ cấp cho hơn 22.000 nhân sự của ngân hàng mẹ, cũng gần bằng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8.569 tỷ đồng.

Agribank hiện cũng có 36.682 nhân viên, nếu tuyển thêm 1.567 người như kế hoạch năm 2018 thì tổng số nhân viên của ngân hàng này sẽ lên 38.149 người.

Lương chi cho nhân viên các ngân hàng nói chung và top 4 ngân hàng lớn nhất tiếp tục tăng. Vietcombank hiện trả lương, thưởng cao nhất hệ thống với thu nhập bình quân mỗi nhân viên năm 2017 là 32,3 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 22% so với 26,5 triệu đồng năm 2016. Tại BIDV, thu nhập bình quân mỗi nhân viên là 29,2 triệu đồng/tháng năm 2017. Tại VietinBank, trung bình mỗi nhân sự nhận 24,7 triệu đồng/tháng năm 2017. Còn tại Agribank, thu nhập trung bình của nhân viên tới 23,42 triệu đồng/người/tháng, cán bộ quản lý 74 triệu đồng/người/tháng.

Quý I/2018, thu nhập trung bình của nhân viên Vietcombank tiếp tục tăng lên 39,4 triệu/người/tháng (do Tết). Năm 2018, Agribank cũng có kế hoạch tăng lương cho nhân viên thêm 5% lên 24,6 triệu đồng. Như vậy, trong 3 năm qua, thu nhập bình quân tháng của nhân viên Vietcombank tăng thêm gần 10 triệu đồng, từ 22,5 triệu đồng lên 32,3 triệu đồng; BIDV trong 3 năm tăng 11 triệu từ 18,7 triệu năm 2015 lên 29,2 triệu năm 2017.

Công nghệ 3 năm tới bằng 15 năm qua?

Trao đổi với PV Báo Giao thông về việc với ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ngân hàng số, sắp tới ngân hàng có giảm nhân lực dư thừa hay không, ông Nguyễn Hưng khẳng định trước mắt không có chuyện tinh giản hay sa thải nhân viên. Những nhân viên được rút về sẽ chuyển sang làm công việc khác. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu công việc khó tuyển thêm nhân lực mới mà chủ yếu ngân hàng sẽ đào tạo nhân viên cốt lõi. Ông Hưng cũng tiết lộ, ngay đầu năm nay, một đoàn hơn chục cán bộ được TPBank cử sang châu Âu nghiên cứu tại 5-6 nước về ứng dụng công nghệ số.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết: Trong báo cáo mới nhất mà Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh gửi Ban Kinh tế T.Ư đã đưa yếu tố trình độ nhân lực là thách thức thứ 2 của ngành ngân hàng hiện nay trong việc đáp ứng công nghệ 4.0. Trung tuần tháng  6 vừa qua, BIDV cũng đã triệu tập cán bộ dự nguồn, làm việc trực tuyến với 30 chi nhánh về công nghệ 4.0 và blockchain. Ngân hàng đầu ngành này cũng đã nhấn mạnh việc phải thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ. Cũng theo ông Dũng, việc chuyển đổi sẽ được thực hiện song song tại các ngân hàng và tại NHNN.

Ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft cho biết, những gì xảy ra trong 3 năm tới sẽ bằng 15 năm vừa qua. Và phương châm thời kỳ này không phải cá lớn nuốt cá bé nữa mà sẽ là cá nhanh nuốt cá chậm, ai nhanh chuyển đổi sẽ chiếm thế thượng phong. “Trước đây, chúng ta không thể dùng máy móc thì dùng nhiều sức người bù đắp nhưng nay chuyển đổi sang công nghệ số sức người không còn làm được”, ông Trường khẳng định. Việc chuyển sang ngân hàng số, theo ông Pattarapong Kanhasuwan, Phó chủ tịch điều hành Kbank (Thái Lan), đã giúp ngân hàng tiết giảm 1,5 tỷ USD chi phí mỗi năm.

Cao Sơn

Theo baogiaothong

largeer