Ngành thép tiếp tục gặp nhiều khó khăn

Thứ bảy, 25/05/2019, 15:48 PM

Chi phí sản xuất tăng, cạnh tranh trong xuất khẩu gặp khó đã khiến nhiều doanh nghiệp thép đồng loạt công bố, lợi nhuận trong quý đầu năm 2019 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018, thậm chí thua lỗ. 

 

Ngành thép Việt đang đối mặt với nhiều thách thức.

Ngành thép Việt đang đối mặt với nhiều thách thức.

Nhiều tên tuổi ngành thép thua lỗ

Kết thúc quý I/2019, báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) gây sốc với nhà đầu tư khi báo lỗ lên đến trên 100 tỷ đồng.

Trước đó, công ty này cũng đã lỗ 186,4 tỷ đồng trong quý IV/2018 khiến mức lãi cả năm 2018 giảm gần 92% so với năm 2017 và chỉ đạt 1/10 mục tiêu đề ra.

Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM) cho biết, doanh thu thuần quý I/2019 tăng 2,7% so với quý I/2018, nhưng giá vốn tăng 13,3% khiến lợi nhuận gộp thu về vỏn vẹn 18,2 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, chủ yếu là chi phí tài chính và chi phí quản lý, lợi nhuận trước thuế âm 82,3 tỷ đồng (cùng kỳ 2018 lãi 225,5 tỷ đồng), ghi nhận quý thua lỗ đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây.

Hay Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (VIS) lỗ trước thuế 33,6 tỷ đồng trong quý I/2019, ghi nhận quý kinh doanh thua lỗ thứ tư liên tiếp. Trước đó, VIS lỗ 326,2 tỷ đồng trong năm 2018, riêng quý IV lỗ trên 195 tỷ đồng.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), kết thúc quý kinh doanh đầu năm 2019, doanh thu tăng 15,1% nhưng lãi trước thuế giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2018. Giá vốn của HPG tăng 23%, vượt tốc độ tăng trưởng doanh thu đã kéo biên lợi nhuận gộp giảm về 17,5% từ mức 22,8% của cùng kỳ.

Vì sao?

Ngày 8/5 vừa qua, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia kết luận mức thuế chống bán phá giá rà soát áp dụng đối với sản phẩm thép cán nguội ở một số mã HS từ các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam là 2 - 13,68%. Mức thuế này sẽ áp dụng trong 2 năm, điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm thép của Việt Nam khó vào thị trường này.

Vài năm trở lại đây, sản phẩm thép Việt Nam liên tục bị các nước trong khu vực và nhiều nước khác tại châu Âu, Mỹ… áp thuế chống bán phá giá, khiến tình hình xuất khẩu thép khó khăn.

Cộng thêm tình hình chiến tranh thương mại kéo dài, nhiều doanh nghiệp thép tại Trung Quốc tìm đường xuất khẩu vào Việt Nam, khiến cho sản phẩm thép sản xuất trong nước khó tiêu thụ.

Yếu tố thị trường không thuận lợi còn do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết, giá nguyên vật liệu đầu vào và đầu ra biến động không tương ứng so với cùng kỳ năm 2018 là lý giải chung về nguyên nhân kinh doanh kém khả quan trong quý I/2019, dù trên thị trường, giá thép trong nước có xu hướng tăng trở lại so với cuối năm 2018.

Đối với thị trường bán lẻ, hiện nay tại phía Nam đang là mùa mưa, cộng với các tỉnh đang bị ảnh hưởng của dịch lợn, mất mùa… đã tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh tế nên việc triển khai xây dựng nhà dân cũng giảm mạnh, kéo theo là lượng thép tiêu thụ đều giảm.

Thực tế hiện nay, sản xuất thép trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (70% thép vụn, 40 - 50% phôi thép phải nhập khẩu…). Việc thiếu chủ động nguyên liệu trong bối cảnh giá thép thế giới biến động bất thường bởi các căng thẳng kinh tế, thương mại trên thế giới khiến công tác dự báo giá để đưa ra chính sách nhập khẩu, xuất khẩu, tồn kho của các công ty trở nên khó khăn hơn, giá trong nước điều chỉnh nhưng không theo kịp giá thế giới, tất yếu lợi nhuận thường xuyên biến động mạnh.

Để thị trường thép phát triển ổn định, các doanh nghiệp ngành thép đang rất mong chờ vào việc gỡ nút thắt trong thủ tục pháp lý về thị trường bất động sản; đồng thời Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đưa ra các biện pháp ngăn chặn hàng kém chất lượng, chống bán phá giá... giúp cho thị trường thép minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp đầu tư làm ăn chân chính.

Kim Ngọc

Theo PLN

largeer