Nghệ sĩ Mạc Can: “Tôi rất ghét các danh xưng vì nó đầy áp lực”

Thứ ba, 12/06/2018, 04:54 AM

Nhắc đến Mạc Can người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh của một “ông hề” mang niềm vui đến cho các em thiếu nhi. Ở tuổi 73, Mạc Can vẫn chưa có điều gì chắc chắn ngoài nụ cười luôn nở trên môi là thứ luôn đồng hành cùng ông trên mỗi bước đường đời. PV Báo Người Tiêu Dùng đã trao đổi cùng ông.

 PV: Ông có thể chia sẻ một chút về cuộc sống hiện tại của mình?

- Nghệ sĩ Mạc Can

Cuộc sống tôi giờ cũng gọi là ngon lành, tự do như trước đây thôi!

PV: Ông có thể chia sẻ về biệt danh “ông hề” mà khán giả thường gọi không?

- Hồi xưa, lúc còn nhỏ tôi đi làm hề thì người ta kêu “Thằng hề”, đến tuổi thanh niên thì gọi “Chú hề” rồi giờ già đi thì kêu là “ông hề”. Nói thật tôi rất ghét các danh xưng vì nó đầy áp lực, tôi thì thích mọi thứ thoải mái, nhẹ nhàng.

Nghệ sĩ Mạc Can ở tuổi 73. (Ảnh: NVCC).

Nghệ sĩ Mạc Can ở tuổi 73. (Ảnh: NVCC).

PV: Nhà văn, làm ảo thuật, đóng phim thì theo ông cái nào là “cái nghiệp” của mình?

- Ban đầu tôi có duyên với nghiệp diễn, khán giả yêu thích nên người ta bỏ tiền mua vé để xem tôi diễn. Sau đó tôi đi viết tin tức cho các báo. Một thời gian sau, tôi nghe nhà văn Nguyễn Đông Thức và nhiều người bạn khác gợi ý: Trước giờ viết về người khác rồi giờ nên viết truyện ngắn thử xem. Tôi nghe thấy thấm thía liền viết 5, 6 truyện ngắn gửi lên báo Tuổi Trẻ nhưng đều bị từ chối. Tôi cũng nghĩ bụng chắc lúc đó do khả năng mình chưa tới nên bị từ chối là đúng.

PV: Ông có thể chia sẻ về tác phẩm đầu tiên khi được công nhận và cảm xúc của mình lúc đó?

- Đó là truyện ngắn “Người nói tiếng bồ câu”. Tác phẩm này may mắn được lọt vào mắt xanh của những “cây đa cây đề” trong Hội nhà văn ở ngoài Hà Nội và được cho vào “Tuyển tập truyện ngắn hay nhất” của năm đó. Trong lần có dịp ra Hà Nội, tôi được Lê Minh Khuê - lúc đó đang là trưởng Ban biên tập của Hội nhà văn mời lên giao lưu cùng các nhà văn. Và truyện ngắn “Người nói tiếng bồ câu” được khen là hay và chứa đựng nhiều triết lý, khiến tôi rất vui mừng.

Khi được hỏi có đang viết truyện gì nữa không? Tôi trả lời đã viết tay được phân nửa truyện “Tấm ván phóng dao”. Lúc đó, tôi còn ngại vì truyện mình viết vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng có dịp may mắn được các “cây đa cây đề” đọc tác phẩm của mình nên tôi cũng thử làm “liều”. Sau khi tôi về Sài Gòn được một tuần thì Lê Minh Khuê mới liên hệ lại và bày tỏ mong muốn tôi viết tiếp để xuất bản. Lúc đó, không phải tôi tham vọng, nhưng nghĩ cuộc đời mình khổ nhiều rồi, bây giờ được như vậy còn hơn trúng số ấy chứ. Nhớ lúc đó, đang chạy xe gắn máy trên đường mà tôi rớt nước mắt, mặc kệ người ta nhìn nói tôi khùng.

Tôi cũng không ngờ cuốn “Tấm ván phóng dao” được in liền 200 cuốn, hồi trước 200 cuốn là lớn lắm! Sau đó, còn được đưa đi dự Cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn ở Hà Nội, tôi nhận được giải A! Năm ấy, tôi được nhà văn Nguyễn Quang Sáng dẫn ra Hà Nội nhận giải thưởng.

Mạc Can thường xuyên tham gia diễn ảo thuật cho các em học sinh. (Ảnh: Thethaovanhoa.vn).

Mạc Can thường xuyên tham gia diễn ảo thuật cho các em học sinh. (Ảnh: Thethaovanhoa.vn).

PV: Công việc viết lách hiện tại của ông có gì mới?

- Tôi chuẩn bị hợp tác cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức để cho ra đời cuốn truyện ma bao gồm “Truyện ma bệnh viện” và “Truyện ma gánh hát”, nếu kịp sẽ ra mắt vào tháng 12 năm nay.

PV: Cảm hứng từ đâu mà ông có ý tưởng viết truyện về ma?

- Tôi lấy cảm hứng từ những câu chuyện ma ở các gánh hát. Tại hồi nhỏ tôi đi theo mấy gánh hát ở hội chợ, đình… thấy nhiều ma lắm vì những chỗ đó rất bí ẩn nên người ta kể đủ thứ chuyện. Có chuyện có thật nhưng có nhiều chuyện do tôi tưởng tượng ra là nhiều.

Vai diễn Bác Ba Phi trong “Đất phương Nam”. (Ảnh: Vtc.vn).

Vai diễn Bác Ba Phi trong “Đất phương Nam”. (Ảnh: Vtc.vn).

PV: Ông bắt đầu viết từ khi nào và thời gian viết trong bao lâu?

- Tôi cũng mới viết cách đây 1 tháng trước thôi, tôi viết cũng khá nhanh. Thường thì trong 1 tháng viết khoảng tầm 100 trang giấy A4.

PV: Nói về điện ảnh, hiện tại ông có nhận lời mời tham gia đóng phim?

Tính tôi đó giờ có thích thì mới làm. Khi nào có vai hợp tôi mới tham gia. Nhưng giờ ở cỡ tuổi tôi thì vai diễn phù hợp cũng khá hạn chế.

PV: Đâu là vai diễn ấn tượng nhất trong sự nghiệp đóng phim của ông?

- Đó là vai Bác Ba Phi trong phim “Đất phương Nam”. Một vai diễn nhỏ, nhưng sau này mỗi lần về miền Tây, tôi lại được bà con gọi là Bác Ba Phi. Với tôi, vai diễn nào mà khán giả nhớ mình bằng tên nhân vật thì vai diễn đó thành công.

Còn một vai diễn nữa trong phim “Cải ơi”. Lúc đó, tôi mới đi đóng phim nên còn ngơ ngác, ai dè lại hợp với vai ông Tư Đèo. Tôi có sáng tạo thêm một tí cho nhân vật và không ngờ mọi người lại đánh giá tốt vì nhân vật của tôi vui hơn, đời hơn và thật hơn.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện, chúc ông nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống!

Trúc Phạm - Thanh Nhung

Empty
Theo NTD

largeer