Người mẹ 30 năm nuôi 3 người con tâm thần: Ước ao ngày nào các con cũng được ăn no

Thứ bảy, 20/01/2018, 19:17 PM

Suốt 30 năm qua, người mẹ nghèo nuôi 3 con mắc bệnh tâm thần chỉ luôn đau đáu một câu hỏi vừa nghe đã thấy thật xót xa: "Lỡ mai mình chết đi rồi, ai sẽ là người chăm sóc chúng, sống chỉ cần đủ cơm ăn, áo mặc mỗi ngày thôi".

Đến TP Phủ Lý (Hà Nam) hỏi thăm về gia đình bà Phạm Thị Côi (trú tại phường Lê Hồng Phong), ai nấy đều tường tận gia cảnh vô cùng đáng thương của họ. Nghe kể đã thấy tội nghiệp nhưng đến lúc gặp, mọi chuyện còn khiến chúng tôi ngỡ ngàng hơn.

Bước vào căn nhà tồi tàn tưởng như gió thổi cũng đủ khiến nó đổ sập bất cứ lúc nào, chúng tôi không khỏi thở dài. Gọi vọng vào, bà Côi bước ra với dáng người gầy còm và khuôn mặt khắc khổ. Đưa đôi mắt ra xa xăm, bà Côi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện thật buồn của đời mình.

Người mẹ gồng gánh nuôi 3 đứa con “dại”

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, năm 20 tuổi, bà Côi kết hôn với ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1963). Năm 1988, bà mang thai đứa con đầu lòng, gia đình nội ngoại cùng nuôi biết bao hy vọng. Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang khi người con gái vừa mới sinh ra đã chẳng được như người bình thường.

Bà Côi chăm sóc cho con gái cả.

Bà Côi chăm sóc cho con gái cả.

Đặt tên con là Nguyễn Thị Thảo với mong muốn con luôn ngoan ngoãn thảo hiền, vậy mà không bao lâu sau khi con chào đời, mọi hi vọng của gia đình dường như đều bị dập tắt. Căn bệnh tâm thần khiến chị Thảo nhận thức kém về mọi mặt. Gia đình đã hết lòng chạy chữa nhưng bệnh tình của chị không có dấu hiệu thuyên giảm.

Nỗi đau vẫn chưa dừng lại khi 1 năm sau, bà mang thai và sinh người con thứ 2. Anh Nguyễn Văn Hiếu sinh ra với thể chất khỏe mạnh. Ngày còn nhỏ, anh tỏ ra là người khá thông minh nhưng rồi càng lớn, tâm trí càng không được như như bình thường. Đến tuổi đi học, anh Hiếu cũng không thể cắp sách đến trường giống như bạn bè cùng trang lứa.

Người con gái cả năm nay đã 30 tuổi nhưng vẫn ngây dại.

Người con gái cả năm nay đã 30 tuổi nhưng vẫn ngây dại.

May mắn là khi lớn lên, mọi người se duyên anh với chị Trịnh Thị Hương - một người ở xã kế bên và sinh 1 cháu bé bụ bẫm. Thế nhưng kinh tế khó khăn khiến bà Côi vừa phải cáng đáng nuôi con vừa góp gạo nuôi cháu.

Mơ ước cháy bỏng có một đứa con lành lặn, hiểu được tình yêu mà bà vẫn dành cho nó luôn thôi thúc bà Côi. Đó cũng chính là lý do năm 1996, vợ chồng bà Côi quyết định sinh thêm con thứ 3. Thế nhưng cú sốc lại tiếp tục lặp lại khi anh Nguyễn Văn Tuấn càng lớn càng có nhiều biểu hiện giống với anh chị mình.

Đến bây giờ, mỗi lần nhìn cô con gái đầu lòng dù đã 30 tuổi vẫn hay nằm bẹp một chỗ, chẳng biết làm việc gì, kể cả chuyện vệ sinh cá nhân, nước mắt bà Côi lại chảy thành dòng. Ai sinh con ra mà chẳng mong chúng mạnh khỏe, có cơm ăn, việc làm và sống một đời hạnh phúc. Những điều ước tưởng bình dị nhưng với bà Côi hình như lại xa lắc. 3 lần mang nặng đẻ đau để rồi cả đời bà phải day dứt khi các con, không ai được như người bình thường. Có những lúc, bà vẫn tự hỏi: Nếu mình không sinh con, biết đâu chúng sẽ bớt phải chịu khổ.

“Có lúc tôi thấy mình ích kỷ, vì quá mong có đứa con khỏe mạnh mà cố thêm 2 lần. Cuối cùng 2 đứa chúng nó đều giống như chị cả. Số phận đúng là nghiệt ngã quá!“, bà Côi thở dài.

Giấy tờ lĩnh trợ cấp hàng tháng của gia đình bà Côi.

Giấy tờ lĩnh trợ cấp hàng tháng của gia đình bà Côi.

Nhưng suy nghĩ vẫn chỉ là suy nghĩ, nếu cứ ngồi đó và rồi nghĩ mê man đến những điều tiêu cực, cuộc sống chẳng mấy chốc sẽ trở nên ngộp thở, không thể chịu đựng nổi. Thế nên gạt hết những điều ấy sang một bên, 30 năm qua, bà Côi chỉ một lòng cố gắng chăm sóc các con sao cho thật tốt. Nỗi đau có 3 đứa con, cả 3 đứa đều tâm thần, bà đành giấu vào lòng, ít khi kể lể với người ngoài.

Có niềm vui bé nhỏ nhưng người mẹ nuôi con tâm thần vẫn ngỡ là cả bầu trời mơ ước

Bà Côi không muốn nhắc chuyện quá khứ, không muốn kể nhiều về nỗi đau. Thế nên khi dòng hồi tưởng vừa dứt, bà đưa mắt sang nhìn đứa cháu nội đang say ngủ trên giường. “May mắn quá nó không mắc bệnh giống bố nó. Mẹ nó là người bình thường nhưng chấp nhận lấy thằng Hiếu con tôi là tôi thấy thương lắm rồi”.

Nói đến đây, bà chợt giật mình thon thót vì nghĩ lại trường hợp của cậu con trai tên Tuấn. “Ngày xưa thằng Tuấn cũng khỏe mạnh bình thường, càng lớn lại càng dại. Tôi bây giờ chỉ biết chắp tay mà nguyện cầu cho cháu nội thôi”, đôi mắt bà Côi bỗng nhòe đi.

Anh Tuấn càng lớn càng ngây dại.

Anh Tuấn càng lớn càng ngây dại.

Đến đây, ký ức cũ lại hiện về. Bà Côi vẫn nhớ ngày bé xíu, cậu con út đã từng khôn ngoan thế nào. Vậy mà số phận trớ trêu, gần 20 năm qua, khi anh Tuấn lớn lên, bà chỉ quen với hình ảnh cậu út đi lại tha thẩn, suốt ngày ăn vạ đòi nghịch đinh vít.

“Sở thích của nó từ trước tới nay chỉ là chơi với đinh thôi. Có lần, thằng Hiếu giật đinh của nó để chơi mà nó vác dao đòi chém, hàng xóm can ngăn mãi mới được. Khổ lắm, trí tuệ của nó mãi mãi chỉ như đứa trẻ con lên 3 nhưng lại có phần hơi hung bạo. Người khác không hiểu nên thấy khó chịu về nó”.

Ai có thể sợ Tuấn chứ bà Côi thì không. Suốt đời bà luôn tin rằng, con mình dẫu dại, dẫu khờ cũng không thể nào dám cả gan giết hay đánh người. “Có lần nó vác dao dọa giết tôi, tôi sợ, bỏ chạy và vấp ngã rồi nghĩ mình sẽ chết. Ai dè nó chỉ đứng đó cười hềnh hệch”.

Sau nhiều năm vật lộn mưu sinh, ông Thắng đã qua đời cách đây khá lâu. Ông ra đi, để lại bà Côi một mình nuôi 3 đứa con dại. Mỗi sáng mở mắt ra, bà Côi lại nghĩ xem mình phải làm gì để kiếm tiền mua thức ăn bỏ vào mồm chúng, đêm đêm về lại không chợp mắt nổi vì sợ lỡ có đứa nào “lên cơn”, bỏ nhà chạy đi lang thang mà cảm lạnh.

Cố gắng sinh thêm con nhưng cả 2 người con sau này đều giống chị gái.

Cố gắng sinh thêm con nhưng cả 2 người con sau này đều giống chị gái.

“Bây giờ 5 người lớn và 1 đứa cháu chỉ sống nhờ vào nguồn trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng từ nhà nước. Tôi với con dâu làm thêm được việc gì thì làm nhưng vẫn phải chật vật sống từng bữa. Có hôm chỉ ăn rau với cháo cho lấp đầy dạ dày”.

Bà Côi buồn bã bảo rằng, bây giờ ngay cả việc có một mâm cơm tươm tất, đầy đủ thịt cá cũng là một ước mơ xa vời với bà. Những điều tưởng như rất bình dị chỉ là lo có cơm ăn, áo mặc, với bà Côi lại là niềm khát khao, hy vọng. Bà bảo rẳng, chỉ cần nhìn thấy con cháu lúc nào cũng được chu cấp đầy đủ thức ăn, nước uống là bà đã hạnh phúc lắm rồi.

“Tôi chỉ có mong muốn bình dị thế thôi. Mong sống thêm ít năm lo cho các con. Muốn chúng nó được ăn no, mặc ấm, được chăm sóc, vệ sinh đầy đủ, thế là tôi đủ hạnh phúc lắm rồi“, bà Côi nói thêm.

Phan Long

Theo SaoStar

largeer