Người nuôi heo hoang mang trước đề xuất nhập khẩu thịt của Bộ Công thương

Thứ ba, 09/04/2019, 09:53 AM

Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 19 tỉnh, thành phố lớn ở phía Bắc và có nguy cơ lan xuống các tỉnh miền Trung. Lo ngại về nguồn cung, Bộ Công thương dự tính sẽ cho nhập khẩu thịt từ nước ngoài.

Việc nhập thịt có tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi. (Ảnh: T.H).

Việc nhập thịt có tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi. (Ảnh: T.H).

Sợ thịt ngoại hơn sợ dịch

Ngày 19/2/2019 Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) xác nhận dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Hưng Yên và Thái Bình. Cộng thêm việc hàng trăm học sinh ở một tỉnh miền Bắc nhiễm sán heo đã khiến người tiêu dùng e ngại sử dụng loại thịt này. Trong trường hợp dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng như Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Các doanh nghiệp thương mại sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường - xuất phát từ tâm lý e ngại sử dụng thịt trong thời gian xảy ra dịch bệnh - để xác định lượng nhập khẩu phù hợp.

Dù chỉ mới là dự tính từ Bộ Công thương, nhưng thông tin này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người nuôi heo trên cả nước. Anh Đào Hữu Thuận ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết anh đang nuôi 2.000 con heo thịt, tất cả đều đang trong giai đoạn xuất chuồng. Gần đây, giá heo có dấu hiệu phục hồi lên mức 42.000 đồng/kg, người nuôi cảm thấy phấn chấn trở lại, dù giá này vẫn còn lỗ khoảng 1 triệu đồng/con heo. Nay nghe thông tin ý định nhập thịt từ Bộ Công thương, anh gần  như tuyệt vọng: “Giờ mà nhập thịt thì khác nào giết người chăn nuôi”.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Quang Thụy - người nuôi heo tại Đồng Nai, cho hay từ nhiều năm nay người nuôi heo luôn gặp phải trở ngại. Trong năm 2017-2018, việc dư thừa nguồn cung đã khiến giá heo sụt giảm thê thảm. Nhiều hộ nuôi phải phá sản vì không cầm cự được ở thời điểm đó. Từ cuối năm 2018 giá heo có dấu hiệu tăng, người nuôi có lãi, chưa kịp bù lỗ cho những năm trước thì xuất hiện bệnh dịch tả heo. “Dịch tả heo còn chưa qua, đã nghe thêm “hung tin” nhập thịt. Nếu như thông tin này thành sự thật sẽ có thêm hàng ngàn người nữa phải phá sản. Tôi kiến nghị Nhà nước nên xem xét kỹ vấn đề này, đừng để ngành nuôi heo phải chịu thảm cảnh như lần nhập thịt gà vào năm 2017” - anh Thụy nói.

Empty

Có cần thiết phải nhập thịt từ nước ngoài?

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng sau một thời gian dài bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, người dân đã kiêng thịt heo thời gian dài và nay “không thể nhịn” thêm được nữa. Hiện tại Đồng Nai có khoảng 2,5 triệu con heo thịt, mỗi ngày Đồng Nai cung cấp hơn 3.000 con heo thịt cho các tỉnh lân cận. Với nguồn cung này bảo đảm đủ cho nhu cầu của người tiêu dùng. “Thông qua phương tiện truyền thông, người tiêu dùng đã an tâm khi dịch tả heo không lây qua người. Do đó, nhu cầu tăng trở lại và nguồn cung thịt heo trong nước vẫn bảo đảm. Vì vậy việc nhập thịt heo từ nước ngoài là không cần thiết”.

Theo ông Đoán, nếu đề xuất nhập thịt từ Bộ Công thương được thông qua sẽ giết chết ngành chăn nuôi heo của người dân. “Giá thành sản xuất mỗi ký thịt heo của các nước như Mỹ, Argentina, Canada thấp hơn khoảng 10.000 đồng so với giá thành sản xuất trong nước. Nếu thịt ngoại nhập vào ồ ạt, chắc chắn việc cạnh tranh sẽ rất khó khăn. Dẫu biết rằng Việt Nam đã gia nhập Hiệp định Thương mại CPTPP nhưng cá nhân tôi kiến nghị Nhà nước nên có những giải pháp để bảo vệ người chăn nuôi cũng như một số ngành nghề khác. Việc nhập thịt chỉ có lợi cho một số ít người, nhưng sẽ có hàng ngàn người chăn nuôi điêu đứng” - ông Đoán nói.

Chiều ngày 2/4, trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, đại diện Bộ NN-PTNT phía Nam cho hay, việc nhập thịt do Bộ Công thương chủ trì. Bộ NN-PTNT chỉ hỗ trợ nên quyền quyết định nằm từ phía Bộ Công thương.

Trần Hùng

Theo NTD

largeer