Người sở hữu nhiều nhà ở Sài Gòn

Thứ sáu, 09/02/2018, 08:58 AM

Người Sài Gòn xưa sở hữu nhiều nhà nhất, được cho là chú Hỏa với trên 20.000 căn nhà ở các vị trí đắc địa nhất Sài Gòn, trong đó có những dinh thự nguy nga còn lưu dấu đến ngày nay, như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, khách sạn Majestic, khu nhà khách Chính phủ…

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, chú Hỏa (1845-1901) - doanh nhân giàu nhất Sài Gòn xưa - quê ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tổ tiên ông chạy sang Việt Nam lánh nạn sau khi người Mãn Châu đánh bại nhà Minh. Ông khởi nghiệp từ gánh ve chai, về sau nhập quốc tịch Pháp, có tên là Jean Baptiste Hua Bon Hoa. Chú Hỏa lập Công ty Hua Bon Hoa, cùng các con sở hữu hàng chục tiệm cầm đồ, trên 20.000 căn nhà phố cho thuê trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi đắc địa nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Nhiều công trình còn tồn tại đến hôm nay như khách sạn Majestic, khu nhà khách Chính phủ… nên dân gian có câu: “Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa”. Sau Thế chiến thứ nhất, Công ty Hua Bon Hoa còn mở chi nhánh tại Hạ Môn, Thượng Hải, Hồng Công, Đài Loan… Gia đình chú Hỏa cho xây nhiều công trình phục vụ người nghèo như cô nhi viện; chùa Phụng Sơn; Bệnh viện Maternité Indochinoise (nay là bệnh viện Từ Dũ); Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Phước Thiện y viện (bệnh viện Nguyễn Trãi ngày nay); Thành Chí học hiệu (Trường THCS Minh Đức); nuôi cơm những người vô gia cư. 

Trong cuốn biên khảo “Sài Gòn năm xưa”, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đánh giá: Nhờ giữ gìn có phương pháp nên sự nghiệp đồ sộ thêm mãi. Sơ khởi, chú Hỏa nghe đâu hùn hiệp với một người Pháp bao thầu khuếch trương các tiệm cầm đồ (Mont de píeté) trong Nam kỳ.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. 

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. 

Hiện nay phố xá Sài Gòn phần lớn là của Công ty Hua Bon Hoa làm chủ. Nhưng công ty này được tiếng là "rất biết điều", "không eo sách, làm khó người mướn phố". Được tôn vinh là tứ đại hào phú Nam bộ (nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa), chuyện giàu lên nhanh chóng của chú Hỏa đến nay vẫn còn là ẩn số. Nhiều cuốn sách xuất bản trước năm 1975 ở miền Nam, viết ban đầu chú Hỏa mua bán ve chai dạo, tái chế đồ cũ bán lại, sau khi có ít vốn, hùn hạp buôn bán BĐS rồi phất lên như diều.Một số tác giả cho rằng chú Hỏa thuộc dòng dõi nhà Minh, có “của chìm”. Hay giai thoại một lần mua ve chai, ông may mắn mua được bức tượng bên trong chứa đầy vàng... Nhưng dù thế nào, có một thực tế là ngoài sự cần mẫn, chịu khó, chú Hỏa là doanh nhân tài ba, biết nhìn xa trông rộng. Danh tiếng chú Hỏa lừng lẫy khắp Đông Dương. Các con của ông được du học và làm việc ở nước ngoài.

Trước năm 1975, hãng phim Dạ Lý Hương đã sản xuất bộ phim “Con ma nhà họ Hứa”, phỏng theo bị kịch xảy ra trong gia đình chú Hỏa. Bộ phim do nghệ sỹ Lê Mộng Hoàng làm đạo diễn, là bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.Thành ngữ “con ma nhà họ Hứa” cũng từ đó mà có. Bộ phim phỏng theo những lời đồn chú Hỏa có người con gái rất xinh đẹp, ngoan ngoãn nên hết mực cưng chiều. Một ngày, cô gái ấy tự nhiên mất tích. Chú Hỏa cho đăng cáo phó mất con trên báo. Nhưng đêm đêm, người ta vẫn nghe tiếng kêu khóc thảm thiết từ trong dinh thự và thấy “hồn ma” con gái chú Hỏa xuất hiện bên cửa sổ. 

Sự thật cô gái mắc bệnh phong, y học lúc đó chịu thua. Chú Hỏa bất lực nhìn con chết dần, chết mòn trong nỗi đau đớn tột cùng. Để không ảnh hưởng đến uy tín và việc kinh doanh, ông đăng cáo phó và nhốt con vào một căn phòng kín đáo, sai gia nhân chăm sóc chu đáo song tiếng kêu khóc của cô vẫn thoát ra ngoài.Không ít lần, cô gái còn lẻn ra ngoài, đầu tóc rũ rượi, làm người bên ngoài tưởng là … ma. Chú Hỏa bí mật đưa con gái về chăm sóc tại biệt thự của gia đình (nay là khách sạn Palace) bên bãi biển Long Hải (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho đến ngày cô gái mất. 

Câu chuyện đau lòng trên chỉ là một trong số hàng trăm giai thoại về gia đình doanh nhân giàu nhất Sài Gòn xưa, không ai biết thực hư thế nào. Hua Bon Hoa có lẽ là một trong những doanh nhân bí ẩn nhất Việt Nam. Ông mất hơn 100 năm nhưng mộ phần ở đâu đến nay vẫn không rõ. Có ý kiến cho rằng hài cốt của chú Hỏa đã được con cháu đưa về quê. 

Bình Minh

Theo SGĐTTC

largeer