Người thuê trọ “kêu trời” vì giá điện “trên trời”!

Thứ ba, 07/08/2018, 09:41 AM

Tại Điều 10 Thông tư số 16/2014/TTBCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công thương quy định rõ: Người thuê nhà trọ chỉ phải đóng tiền điện không quá 2.300 đồng/kWh. Thế nhưng, tại TP.HCM thông tư này dường như không có hiệu lực, một phần vì chủ trọ vẫn cố ý nâng giá điện nhằm trục lợi, một số chủ trọ vì phải sử dụng mức điện cho hộ kinh doanh nên bắt buộc phải thu tiền điện hơn mức quy định.

Nhiều công nhân, sinh viên dù biết đến thông tư trên cũng phải cắn răng chịu đựng vì nhiều lần kiến nghị lên chủ trọ đại đa số đều nhận được câu trả lời: “Trọ nào cũng như trọ nào thôi, giá vậy là hữu nghị rồi. Nếu được thì em ở, không được thì em có thể chuyển sang trọ khác”.

“Phép vua” phải thua “luật trọ”

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn TP.HCM, hầu hết công nhân, sinh viên thuê trọ đều bị chủ trọ áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức từ 3.500-4.000 đồng/kWh, có nơi còn hét giá 4.500-5.000 đồng/kWh. Mức giá này được đưa ra ngược lại với quy định của Bộ Công thương. Cụ thể tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT có quy định về trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện sẽ được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ).

Theo đó, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Một người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Nếu không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200kWh: 1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện. Quả thật, không còn chọn lựa nào khác cho người thuê vì dường như giữa các chủ trọ đã có “quy định ngầm” về giá điện và mức giá điện ở các dãy trọ ở gần các trường đại học và các khu công nghiệp đều dao động từ 4.000-5.000 đồng/kWh.

Anh Võ Văn Tính, làm công nhân xưởng may, thuê trọ ở đường Gò Dầu (phường Tân Quý, quận Tân Phú) than thở: “Hàng tháng, tôi phải chịu mức tiền điện trung bình khoảng 5.000 đồng/kWh. Với đồng lương ít ỏi 5,5 triệu đồng/tháng, ngoài phải dành ra 2 triệu đồng để đóng tiền trọ còn phải gồng thêm gần 400.000 đồng tiền điện nước, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc cân đối chi tiêu so với mức thu nhập của tôi. Thời tiết oi bức hơn nên quạt điện phải quay cả ngày khiến lượng tiêu thụ điện tăng lên so với các tháng trước. Điều này khiến tôi rất lo lắng vì sẽ mất thêm một khoản chi phí để trả tiền điện. Khối lượng điện tăng đã đành, chủ trọ lại thu tiền tiền quá cao khiến chúng tôi thật sự lao đao khi biên lai thu tiền điện giao đến tay vào cuối tháng!”

Tiền điện đang làm

Tiền điện đang làm "nhức đầu" công nhân, sinh viên thuê trọ tại TP.HCM.

Thời tiết oi bức khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. (Ảnh minh họa).

Thời tiết oi bức khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. (Ảnh minh họa).

Chủ trọ gặp khó, người thuê trọ chịu khổ!

Theo lời của chủ trọ Nguyễn Thị Tuyết, hiện có 30 phòng cho công nhân và sinh viên thuê, với tổng số người thuê là 78 người và mức thu tiền điện hiện là 3.500 đồng/kWh. Nguyên nhân là do bà Tuyết phải thanh toán cho công ty điện trên phương diện hộ kinh doanh, vì vậy bà phải thu tiền người thuê ở mức cao tương đương.

Bà Tuyết cho biết: “Do gia đình kinh doanh phòng trọ bị áp giá của điện kinh doanh nên đã cao hơn giá điện sinh hoạt. Có những tháng, sau khi tính tổng tiền điện của cả gia đình và 30 phòng trọ, rồi chia ra thì đã là 3.100 đồng/kWh. Ngoài ra, đèn điện trước các phòng trọ được thắp liên tục vào buổi tối đến sáng hôm sau nên chi phí này được chia đều cho các hộ. Thật tình tôi không bớt xén chút tiền nào của công nhân, sinh viên ở trọ, tôi cộng tất cả các khoản phải chi cho điện rồi mới thu họ 3.500 đồng/kWh. Giờ tiền trọ tôi chỉ tính 900.000 đồng/tháng đối với sinh viên, công nhân, như vậy là tôi đã tạo điều kiện hết sức rồi. Còn tiền điện, nước tôi nghĩ cần có được sự giúp đỡ từ bên phía Nhà nước, nếu Nhà nước không đặt mức giá điện, nước hộ cho thuê trọ là hộ kinh doanh thì lúc đó tôi sẵn sàng giảm tiền điện, nước cho công nhân, sinh viên một giá tối ưu nhất”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của sinh viên ở làng Đại học Thủ Đức, vẫn có rất nhiều chủ trọ cố tình tăng giá điện một cách thái quá nhằm trục lợi.

Theo lời của bạn Trịnh Tiến Đại, sinh viên năm 4 trường Đại học Bách khoa TP.HCM: “Ngày trước tôi đăng ký ở ký túc xá, nhưng gần đây hay đi làm thêm thường về khá muộn, sợ ảnh hưởng đến các bạn cùng phòng nên tôi chuyển ra ở trọ. Thế nhưng, tiền làm thêm được bao nhiêu thì “cống” bấy nhiêu vào tiền trọ, tiền điện cho chủ nhà. Nhiều lần tôi khiếu nại về việc thu giá điện 5.000 đồng/kWh là quá cao thì nhận được câu trả lời là do bị áp giá của điện kinh doanh nên giá điện phải cao”.

Tại Điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công thương có quy định về thực hiện giá bán điện đối với sinh viên, công nhân lao động thuê phòng trọ được áp giá bán điện: Chủ nhà trọ thường đứng tên để ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện nên trong trường hợp, vì vậy chủ trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hằng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng. Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101-200kWh áp giá 1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.

Sông Trường

NTD

largeer