Người Việt bỏ tiền triệu ăn “Hàng nội địa Trung Quốc”

Thứ ba, 05/06/2018, 19:36 PM

Thời gian gần đây, trên “chợ mạng” xuất hiện nhiều loại đồ ăn vặt với gắn mác “hàng nội địa Trung Quốc” với những quảng cáo hấp dẫn được nhiều người lựa chọn. Các sản phẩm này không có sự kiểm chứng nguồn gốc, không nhãn mác… nhưng vẫn bày bán tràn lan.

20180605_160215

Hoa mắt với bánh kẹo “nội địa Trung Quốc”

Với tên gọi hấp dẫn như bánh việt quất nhân chảy, bánh dứa mini, bánh phô mai ngọt lịm, bánh chuối mềm mịn… chỉ nghe tên cũng đủ làm người tiêu dùng “xao lòng”. Trên các topic bán hàng online như Facebook, Instagram… hiện nay không khó để mua các loại bánh kẹo này. Như 1 thùng bánh loại 20 chiếc với đủ vị có giá từ 130.000 – 150.000 đồng, tính ra chỉ 6.000 – 7.000 một chiếc bánh, khá rẻ so với các loại của Nhật, Việt.

Trước kia khi nhắc đến hàng xuất xứ từ Trung Quốc, người tiêu dùng thường e ngại, hoặc từ chối mua bởi sợ sự độc hại. Thế nhưng hiện nay với tên gọi “hàng nội địa Trung”, sản xuất theo khẩu vị người Trung nên chất lượng đảm bảo được các web bán hàng quảng cáo hấp dẫn, làm thay đổi ý nghĩ sử dụng loại bánh kẹo này của người Việt.

Bánh nội địa Trung Quốc được bán tràn lan trên mạng.

Bánh nội địa Trung Quốc được bán tràn lan trên mạng.

Chị Kim Ly, một nhân viên văn phòng ở TP.HCM cho biết: “Mình mới biết loại bánh này do một chị cùng cơ quan cho ăn thử, nhìn vỏ thấy bắt mắt mà giá cũng vừa phải, ăn thử một lần ăn thấy ngon rồi nghiền. Dạo gần đây mình cũng hay đặt hàng mua.”

Tương tự, chị Mỹ Duyên, một khách hàng quen thuộc của một web bán hàng đồ ăn vặt online thường xuyên mua loại bánh này cho hay, cứ khoảng 1 tháng thì chị gọi đặt hàng 2 lần. “Lúc đầu thấy người bán nói hàng Trung Quốc thì cũng hơi ngần ngại, nghe họ giải thích loại bánh này sản xuất nội địa, làm cho người Trung Quốc ăn. Nên cũng nghe theo mua thử, mua về cả nhà ai cũng khen ngon, một thùng ăn hơn tuần là hết.” - chị Duyên chia sẻ. Theo đó, hơn 300.000 đồng là số tiền mỗi tháng chị Mỹ Duyên bỏ ra để mua loại bánh này.

“Hàng nội địa Trung” – có sự thật sự an toàn?

Theo những lời quảng cáo “hoa mĩ” của người bán hàng, loại bánh xuất xứ “nội địa Trung” và sản xuất cho người Trung, hoàn toàn đảm bảo chất lượng 100%. Tuy nhiên theo quan sát của PV, các loại bánh này được truyền tai nhau về độ ngon, rẻ nhưng về chất lượng hay nơi sản xuất cụ thể vẫn chưa thể kiểm tra đánh giá. Ngoài bao bì sản phẩm bắt mắt in màu mè lộn xộn, thì trên đó hoàn toàn bằng tiếng Trung, không có phiên dịch bằng tiếng Anh về hạn sử dụng hay thành phần cấu tạo.

Mặc dù không rõ về chất lượng các loại bánh Trung Quốc, nhưng vì tin lời rao “hàng nội địa, đảm bảo ngon sạch”, vô số khác hàng vẫn chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn hàng tháng để mua về làm đồ ăn vặt. Bởi hương vị ngon, khác lạ so với các loại bánh Việt mà không cần chú ý nhiều đến nguồn gốc sản phẩm.

Nhiều loại bánh không rõ nguồn gốc được nhiều người mua

Nhiều loại bánh không rõ nguồn gốc được nhiều người mua

Nhiều topic bán hàng online vì lợi nhuận thường mập mờ về nguồn gốc, bất chấp bán cho khách hàng. Theo một số chuyên gia cho rằng, việc mua các sản phẩm online tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó kiểm soát. Các mặt hàng bánh kẹo khi vào thị trường Việt Nam phải được dán nhãn phù hợp về thông tin chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Vì vậy người tiêu dùng cần thông minh, không nên quá tin vào quảng cáo, lựa chọn những tên tuổi uy tín, thương hiệu để mua, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hoàng Uyên - Ảnh tổng hợp

theo NTD

largeer