Người Việt dùng hàng Việt -10 năm gian nan đã có “trái ngọt”

Thứ ba, 26/03/2019, 15:46 PM

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, tỷ lệ hàng Việt Nam hiện đã chiếm 90% trong siêu thị! Tại các chợ, trung tâm thương mại, kênh bán hàng trực tuyến, cửa hàng tiện lợi... hàng Việt Nam cũng đã có chỗ đứng khá vững trên quầy, kệ.

Empty

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng con số này không thể đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục tốt người tiêu dùng và được người tiêu dùng chọn lựa. Đây là mốc quan trọng đánh dấu thành công của cuộc vận động sau chặng đường gần 10 năm triển khai. Không chỉ ở siêu thị mà nhiều kênh phân phối khác, hàng Việt cũng không còn lép vế nếu chưa muốn nói là nhỉnh hơn so với hàng Trung quốc, Thái Lan như 10 năm trước đây.

Những thương hiệu như giày dép Bitis, nước mắm Phú Quốc, quần áo An Phước, nệm Kymdan, bút bi Thiên Long, thực phẩm Vissan, gốm sứ Minh Long... đã trở thành “một phần tất yếu” của rất nhiều gia đình Việt Nam. Gần đây, những lĩnh vực mà trước đây toàn hàng ngoại cũng đã xuất hiện những tên tuổi Việt như smartphone, ô tô, resort, ti vi... thương hiệu của nhà sản xuất, chủ đầu tư Việt Nam

Không chỉ ở Việt Nam mà ở ngay tại Trung Quốc hay Lào, Campuchia và cả Thái Lan thì hàng Việt lúc nhiều, lúc ít đã có mặt ở nhiều nơi. Người viết bài đã từng chứng kiến một khu chợ ở Phnompenh có đầy đủ những món hàng Việt mà nhiều chợ ở Sài Gòn đang ưa dùng, từ chai dầu gió Nhị Thiên Đường cho đến chai tương ớt Cholimex hay áo sơ mi Nhà Bè... Ngay bên Đức xa xôi, Tết vừa rồi, sợ bạn bè nhớ quê tôi định gửi ít thực phẩm bên nhà nhưng bạn bảo muốn mua bánh cuốn Thanh Trì cũng chẳng khó.

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT đang có chuyến đi công tác ở Triều Tiên cho hay “Hàng Việt Nam tràn ngập siêu thị Bình Nhưỡng, có cả Vinacafe lẫn Trung Nguyên và nước mắm xứ mình”. Giờ đây, không chỉ người Việt dùng hàng Việt mà người nước ngoài cũng đã thích khá nhiều mặt hàng “Made in Vietnam”, không chỉ vì cuộc vận động mà chủ yếu do “hữu xạ tự nhiên hương”. Ông Nguyễn Xuân Châu, Tổng Giám đốc Công ty Việt Long khẳng định “nếu hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý, ổn định thì trước sau gì cũng chinh phục được khách dù là người Việt hay Tây”.

Nhưng những tín hiệu vui trên có lẽ chưa phải là thành công mỹ mãn và hàng Việt muốn có chỗ đứng vững chắc còn phải nỗ lực khá nhiều. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, phong trào vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa đã tạo ra những thương hiệu vang danh thế giới như: Toyota, Samsung... Nhưng để người tiêu dùng chọn mua, hàng hóa đó phải có chất lượng.

Empty

Thứ trưởng kiêm Phó ban Vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” khuyến cáo: “Giai đoạn tới, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Nhà nước sẽ quan tâm, ưu tiên hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, xây dựng cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chứ không làm thay hoặc mãi vận động người tiêu dùng ưu tiên. Cốt lõi của cuộc vận động trong giai đoạn tới chính là doanh nghiệp và sản phẩm chất lượng”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết các doanh nghiệp Việt không ngại cạnh tranh và đổ công sức để tạo nên những sản phẩm chất lượng, giá cả vừa túi tiền nhưng họ vẫn ngày đêm lo cạnh tranh không lành mạnh, hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt và hàng núi thủ tục làm khó dễ doanh nghiệp. Còn tổng giám đốc một chuỗi siêu thị lớn thì cho rằng rất nhiều sản phẩm Việt Nam mới ra thì chất lượng ổn nhưng về lâu dài lại chạy theo lợi nhuận làm mất uy tín. Trong khi đó, giám đốc sản xuất hàng thực phẩm đông lạnh lại than phiền có siêu thị dù của người Việt nhưng lại ưu tiên cho hàng ngoại vì chiết khấu cao dù chất lượng, giá cả không bằng!?

Với người tiêu dùng, dù quảng cáo vận động hay khuyến mãi cách nào chăng nữa mà chất lượng kém, giá cả không hợp lý và dịch vụ yếu thì trước sau gì cũng đi vào quên lãng. Quảng bá mạnh có thể giúp nhận thức về hàng Việt tốt hơn nhưng giá trị sản phẩm, hàng hóa và thái độ phục vụ, quan hệ cộng đồng của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định và bền vững.

Chặng đường 10 năm đủ để hàng Việt tồn tại và đứng vững trên thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Chặng đường 10 năm tới sẽ là một thách thức mới!

PHAN NGUYỄN

Theo NTD

largeer