Người Việt thuê bao máy bay đi hành hương đất Phật

Chủ nhật, 11/03/2018, 08:33 AM

Mới nhất là ngày 4-3, một chuyến bay charter cho 200 du khách bay thẳng tới Bồ Đề Đạo Tràng hành hương đất Phật. Đây là chuyến charter thứ hai tới Ấn Độ trong đầu năm 2018…

Ngày 9-3, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức sự kiện xúc tiến du lịch với chủ đề Hãy thăm Ấn Độ 2018.

Sự kiện nhằm quảng bá và mời du khách Việt Nam trải nghiệm hương vị khác nhau của văn hóa Ấn Độ, ẩm thực, vẻ đẹp thiên nhiên, hành hương tôn giáo, tìm hiểu ngành công nghiệp du lịch Ấn Độ…

Ông Trần Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Fiditour, cho biết trong khoảng năm năm trở lại đây công ty đã phát triển tương đối các sản phẩm tour nước ngoài đến Ấn Độ, tập trung cho các tuyến Mumbai-Delhi, du lịch hành hương liên tuyến Ấn Độ-Nepal… được du khách Việt ưa chuộng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của thị trường này vẫn đang ở mức trung bình, chưa có sự tăng trưởng khả quan.

Theo ông Dũng, nguyên nhân là do hạn chế trong công tác quảng bá, gần như chỉ có các công ty lữ hành tự khai phá, quảng bá sản phẩm, chưa có đường bay thẳng, giá thành sản phẩm còn khá cao so với các sản phẩm châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan…

Cùng nhìn nhận trên, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhìn nhận tại Việt Nam khách đến du lịch Ấn Độ vẫn còn hạn chế do điểm đến còn khá xa lạ.

Tại Vietravel, lượng khách đến Ấn Độ có mức tăng trưởng trung bình 250%/năm. Hiện công ty cũng đã tổ chức thành công nhiều chuyến charter - thuê bao chuyến bay từ Hà Nội đến Ấn Độ.

Mới nhất là ngày 4-3, một chuyến bay charter cho 200 du khách bay thẳng tới Bồ Đề Đạo Tràng hành hương đất Phật. Đây là chuyến charter thứ hai tới Ấn Độ trong đầu năm 2018, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường này.

Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật đắc đạo sau 49 ngày ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề.

Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật đắc đạo sau 49 ngày ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề.

Vườn Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật đản sanh.

Vườn Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật đản sanh.

"Để khai thác thị trường còn rất nhiều tiềm năng này, Vietravel đã tham dự một số hội chợ tại Ấn Độ như SATTE, GES…, lượt khách có tăng nhưng vẫn chưa đáng kể so với số lượt khách Ấn Độ đi nước ngoài du lịch, khoảng 21,8 triệu lượt trong năm 2016” - ông Duy nói.

 Cùng ý kiến trên, ông Dũng dẫn chứng số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam: Trong hai tháng đầu năm 2018, lượng khách Ấn Độ do quá ít cũng chưa hiển thị trên biểu đồ. Thị phần khách Ấn Độ vào Việt Nam có sự tăng trưởng nhưng chưa đột phá. Lượng khách Ấn Độ chiếm tỉ lệ chưa cao trong tổng lượng khách inbound của thị trường du lịch Việt Nam.

Mặt khác, ông Dũng chỉ ra dù công ty nhận được phản hồi khá tốt từ du khách Ấn Độ về thắng cảnh du lịch, văn hóa… Tuy nhiên, có một hạn chế là các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch ở Việt Nam chưa có nhiều để phục vụ cho du khách Ấn về ẩm thực, văn hóa tâm linh Phật giáo… khiến cho du khách gặp khó khăn nếu du lịch dài thời gian hơn khi đến Việt Nam. 

Theo ông Duy, có thể thấy hạn chế trong khai thác du lịch giữa hai quốc gia là thiếu đường bay trực tiếp Việt Nam-Ấn Độ và ngược lại. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có hãng hàng không VietJet Air công bố thông tin sẽ mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đây là đường bay đầu tiên dự kiến khai thác từ TP.HCM đến New Delhi với tần suất bốn chuyến/tuần nhưng vẫn chưa được xác định thời gian cụ thể.

“Thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác xúc tiến, hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay trực tiếp giữa Ấn Độ và Việt Nam. Tổng cục Du lịch hai nước cần có kế hoạch quảng bá và xúc tiến dài hạn để gia tăng sự kết nối du lịch giữa hai quốc gia, thu hút du khách…” - ông Duy chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biế: Năm 2017, TP đón 6,4 triệu lượt khách quốc tế (tăng 23% so với cùng kỳ), trong đó du khách Ấn Độ nằm trong tốp 15 thị trường khách đến TP.HCM với 60.000 người Ấn Độ, tăng 10,4% so với 2016. Ngược lại, thị trường Ấn Độ là điểm đến hấp dẫn, thị trường tiềm năng đối với du khách Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Đặc biệt, những tour du lịch tâm linh, du lịch văn hóa… tại thị trường Ấn Độ thu hút du khách.

Theo bà Hoa, ngành du lịch TP.HCM đã triển khai một số nội dung hợp tác với du lịch Ấn Độ. Mới nhất là tháng 2 vừa rồi, Sở Du lịch đã tổ chức chương trình xúc tiến tại Ấn Độ nhận được nhiều phản hồi tốt. Từ các thông tin này, ngành du lịch đã tiếp nhận và tiếp tục triển khai nhiều hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể là tiếp tục thúc đẩy làm sao có đường bay trực tiếp giữa TP.HCM và New Dehi.

Trong khi đó, ông K Srikar Reddy, Tổng lãnh sự Ấn Độ, cho biết: Năm 2017, khách du lịch nước ngoài đến Ấn Độ là 10,17 triệu, tăng 15,6% so với năm 2016. Thu nhập ngoại hối thông qua du lịch là 27,69 tỉ USD. Số người Việt Nam đến Ấn Độ đã tăng 60% trong năm năm qua. Cụ thể, số lượng thị thực cho người Việt sang thăm Ấn Độ năm 2013 là 11.485; đến năm 2017 là 18.630. Bên cạnh đó, lượng khách Ấn Độ du lịch đến Việt Nam từ 33.000 người năm 2010 đã tăng lên 85.000 người vào năm 2016.

Ông K Srikar Reddy cho rằng thị trường du lịch Việt Nam tiềm năng. Theo nghiên cứu của Hội đồng Du lịch và Du lịch Thế giới (WTTC) giữa năm 2016 đến năm 2026, 10 điểm đến phát triển nhanh nhất thế giới dành cho du lịch giải trí là Ấn Độ, tiếp đến là Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác…

Tú Uyên

Theo PLTP

largeer