Nguy cơ cao xảy ra lũ và sạt lở đất ở miền Trung

Thứ hai, 10/12/2018, 13:39 PM

Các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Mưa lớn ngày 9/12 gây ngập lụt ở Bình Định (Nguồn: Báo Bình Định)

Mưa lớn ngày 9/12 gây ngập lụt ở Bình Định (Nguồn: Báo Bình Định)

Để ứng phó với thiên tai, chiều ngày 9/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai - Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 58/CĐ-TW điện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Y tế. Nội dung Công điện như sau:

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong ngày và đêm 9/12/2018, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Phú Yên tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa rất to và dông; riêng các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 50-100mm. Trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên từ 3-5m. Đỉnh lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình), sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Lại Giang (Bình Định), sông Kỳ Lộ (Phú Yên) có khả năng lên báo động 2 - báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp và đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất gây ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai - Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho các công trình phòng chống thiên tai, công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du; sẵn sàng vận hành công trình tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra; đề phòng ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lũ.

Tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt do lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn.

Phân công cụ thể, bố trí lực lượng canh gác tại những vị trí ngầm, tràn, giao thông bị ngập sâu, nước chảy siết; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang, đò dọc, khu vực đường bị ngập,… để hướng dẫn người, phương tiện qua lại.

Rà soát việc chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”; chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm,… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống.

Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống lũ, lụt, nắm vững thông tin và thường xuyên bản chất về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai - Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.

Đặng Hiếu

Theo ĐCSVN

largeer