Nhận diện những thủ đoạn buôn lậu ở địa bàn Hà Nội

Thứ hai, 06/08/2018, 14:40 PM

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội, trên thị trường Hà Nội, vẫn còn diễn ra các hiện tượng buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Cụ thể, hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội với phương thức, thủ đoạn, tuyến đường và phương tiện vận chuyển đa dạng: Từ các tỉnh phía Nam và miền Trung ra Hà Nội, theo đường hàng không về sân bay quốc tế Nội Bài. Các đối tượng tiến hành hợp thức hóa hàng lậu theo hình thức quay vòng chứng từ hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để đối phó với các cơ quan chức năng...

Các đối tượng vi phạm thường thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các DN làm ăn chân chính trên địa bàn TP.

Lô hàng hóa vi phạm là kem đánh răng Sensodyne và thuốc lá 555 không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ. Ảnh: Ánh Tuyết

Lô hàng hóa vi phạm là kem đánh răng Sensodyne và thuốc lá 555 không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ. Ảnh: Ánh Tuyết

Bên cạnh đó, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, hoa quả, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo 389 TP đã đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Để triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Ban chỉ đạo 389 TP đã kịp thời xây dựng và ban hành các kế hoạch và văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kém chất lượng; tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo 389, Chi cục QLTT đã ban hành và triển khai Kế hoạch về đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020 trên địa bàn TP Hà Nội. Cùng đó, chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu để phòng chống ngộ độc Methanol; kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành; tăng cường kiểm tra, xử lý sản phẩm “kẹo mút cần sa”; tăng cường kiểm tra đồ chơi trẻ em nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Chi Cục QLTT đã kiểm tra được 5.653 vụ, xử lý 5.337 vụ. Phạt hành chính gần 35 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm gần 44 tỷ đồng.

Nhìn chung, công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, không gây phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, do vậy được nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó đã khởi tố nhiều vụ án lớn về thuốc lá, xì gà, pháo nổ. Đây là những kết quả tích cực, đã thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo 389 và sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm hành động của các lực lượng chức năng TP.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của Ban chỉ đạo 389/TP đã thanh tra, kiểm tra 14.752 vụ, xử lý 12.410 vụ; đã khởi tố 62 vụ với 70 bị can. Trong đó hàng cấm, hàng lậu là 2.107 vụ; gian lận thương mại 9.324 vụ; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 979 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước là gần 3.200 tỷ đồng (tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017).

Ánh Tuyết

PLXH

largeer