Nhân lực ngành du lịch Việt: Thiếu và yếu!

Thứ ba, 16/04/2019, 10:50 AM

Vụ một khách hàng tố nhân viên Aroma Resort ở Phan Thiết (Bình Thuận) đã đặt dấu hỏi lớn về tính chuyên nghiệp của nhân lực ngành du lịch Việt Nam. Hiện các trường đào tạo du lịch có tới 90% tiêu chuẩn đầu ra đều dưới chuẩn.

 Vụ nhân viên Aroma Resort có thái độ không tốt với khách hàng, gây phẫn nộ những ngày gần đây. (Ảnh: Internet).

Vụ nhân viên Aroma Resort có thái độ không tốt với khách hàng, gây phẫn nộ những ngày gần đây. (Ảnh: Internet).

Câu chuyện Aroma Resort

Theo chia sẻ trên mạng xã hội của anh Nguyễn Anh Khoa (hay còn gọi là Khoa Pug), anh có đặt phòng tại resort này bằng hình thức online. Khi nhận phòng, anh Khoa  bị lễ tân từ chối với lý do tên người đặt không trùng với tên trên thẻ ngân hàng (anh Khoa đã nhờ bạn đặt thay vì tự đặt). Sau đó anh được lễ tân khách sạn gợi ý hủy hình thức đặt phòng online và thay vào đó là đặt phòng trực tiếp và anh đã chấp nhận. Không đồng ý với căn phòng hai giường theo đúng giá chỉ là 1,5 triệu đồng trên trang Booking.com anh Khoa đã bị lễ tân tỏ thái độ thách thức và nói chuyện kiểu chợ búa, thậm chí còn gọi bảo vệ lên đòi đánh và đập điện thoại của anh. Anh Khoa không hài lòng và bỏ về, chấp nhận mất 2,2 triệu đồng.

Ngay sau khi vụ việc ồn ào trên mạng xã hội, Phía Sở Du lịch tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc xác minh và Aroma Resort cũng đã  xin lỗi khách hàng.

Empty

Nguồn lực du lịch vừa thiếu vừa yếu

Câu chuyện Aroma Resort có thể thấy thái độ và chuyên môn của nhân viên tại resort này còn yếu kém. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không chỉ Aroma Resort gặp vấn đề về chất lượng nhân sự mà không ít doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng này.

Hiện việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế nóni nhọn, mục tiêu đến năm 2020, sẽ đóng góp hơn 10% GDP cho kinh tế cả nước. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cung ứng cho ngành hiện nay được đánh giá thiếu cả về lượng và chất.

Theo Tổng cục Du lịch, hiện tại cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu vừa yếu nhưng số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Riêng TP.HCM có 140.000 lao động và khoảng 10% trong số đó chưa được đào tạo”.

Theo dự báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, đến năm 2020, ngành du lịch cả nước cần trên 2 triệu lao động trực tiếp làm việc cho các cơ sở dịch vụ du lịch. Với tốc độ tăng trưởng ngành du lịch như hiện nay, đòi hỏi mỗi năm cả nước phải đào tạo thêm khoảng hơn 75.000 lao động phục vụ khách quốc tế lẫn nội địa. Tuy nhiên theo ước tính, hiện nay ngành dịch vụ du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu nhân sự.

Nguồn nhân lực ngành dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam còn hạn chế trong khi đào tạo của Nhà nước lại không đủ nhu cầu của doanh nghiệp.  Khó khăn nhất của ngành du lịch hiện nay là thiếu nguồn nhân lực đáp ứng đủ yêu cầu về ngoại ngữ: Có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ. 90% tiêu chuẩn đầu ra của các trường đào tạo về du lịch đều nằm dưới chuẩn.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, hiện nay cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch. Riêng TP.HCM có 63 cơ sở đào tạo du lịch (24 đại học, 20 cao đẳng và 19 trung cấp). Ngành vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực như quy mô đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các chính sách hành lang pháp lý cho tổ chức nguồn đào tạo nhân lực du lịch chưa phù hợp với yêu cầu mới của ngành.

Các chuyên gia du lịch nhận định: Để đáp ứng nhân sự cho 10-15 năm nữa, Việt Nam phải có chiến lược đầu tư dài hạn về đào tạo giáo dục toàn diện cho đội ngũ nhân lực ngành du lịch để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu mà ngành đã đề ra.

Nguyễn Ngọc

Theo NTD

largeer