Nhiều câu hỏi đặt ra cho VPF nhiệm kỳ mới

Thứ ba, 13/03/2018, 06:33 AM

Không chỉ "mất điểm" trong việc đơn phương hủy hợp đồng với đối tác truyền thông Next Media, VPF nhiệm kỳ mới hiện chưa thấy công bố chuyện bảo hiểm lực lượng trọng tài, giám sát cũng như hợp tác với đối tác giám sát - cảnh báo tiêu cực Sportradar

Lượt đấu thứ nhất V-League 2018 đã diễn ra, về mặt truyền thông gồm bản quyền truyền hình, kênh trực tiếp trên YouTube do VPF Media phụ trách thông qua đối tác Next Media, vẫn như cũ với tín hiệu vui là số lượng khán giả đã đến sân đông hơn dù nghèo bàn thắng (5 bàn trong 5 trận, với 2 trận dời lịch). VPF nhiệm kỳ 3 vẫn phải hợp tác với Next Media cho dù trước đó định hủy hợp đồng với đối tác này.

Ngày 8-3, Báo Người Lao Động đã có bài viết "Next Media kiện VPF: VFF né tránh trách nhiệm?" với nội dung VFF cũng có trách nhiệm khi VPF nhiệm kỳ 2 gia hạn thời gian hợp tác với Next Media đến năm 2022, trong khi VFF chỉ cho phép VPF tổ chức V-League đến mùa 2018. Việc VFF chịu trách nhiệm do 3/5 chữ ký đồng thuận việc gia hạn là người của VFF, trong đó có Phó Chủ tịch VFF kiêm Phó Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 2 Trần Quốc Tuấn. Ngoài ra, Thường trực VFF cũng đã có nghị quyết giao VPF quản lý điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp từ mùa bóng 2012 và không giới hạn thời gian kết thúc. Vì thế, đúng như Báo Người Lao Động nhận định, các bên đã phải ngồi lại với nhau trước ngày khai mạc V-League 2018 thay vì đưa nhau ra tòa.

VPF không chỉ "mất điểm" trong việc đơn phương hủy hợp đồng với Next Media mà đến nay, lực lượng trọng tài, giám sát còn chưa được bảo hiểm. Hai mùa gần nhất, VPF đã thực hiện rất tốt điều này khi mà tất cả cầu thủ, trọng tài, giám sát bị chấn thương đều được đơn vị tài trợ bảo hiểm cấp kinh phí điều trị, kể cả chấn thương trong giai đoạn tập huấn.

V-League 2018 khởi đầu với lượng khán giả trung bình khoảng 10.000 người/trận nhưng còn đó những nỗi lo... Ảnh: Hải Anh

V-League 2018 khởi đầu với lượng khán giả trung bình khoảng 10.000 người/trận nhưng còn đó những nỗi lo... Ảnh: Hải Anh

Ngoài ra, VPF trước đó còn có chương trình hợp tác với đối tác cảnh báo - giám sát tiêu cực Sportradar với mục đích ngăn chặn tiêu cực, còn hiện nay chưa thấy công bố. VPF hợp tác với Sportradar theo dạng hàng đổi hàng, quảng cáo cho Sportradar và khi có vấn đề nghi vấn, Sportradar sẽ cung cấp các dữ liệu cho VPF.

Trong khi đó, việc K+ mùa này tham gia truyền trực tiếp V-League 2018 được xem là có công lớn từ VPF nhiệm kỳ cũ khi trước đó VPF đã cho phép K+ chạy thử và khi thấy mọi thứ tốt đẹp cùng với hiệu ứng đội U23, K+ mới chính thức ký hợp đồng với VPF từ mùa này. VPF hiện cũng như VPF cũ là chưa thể bán được bản quyền truyền hình và tất cả hợp đồng với các đài đều được trả bằng 15 phút quảng cáo, trong đó VPF phải tự khai thác.

Ngoài ra, bên cạnh nhà tài trợ chính mùa giải V-League 2017 là Toyota với hợp đồng tài trợ 50 tỉ đồng chưa tính 10% thuế GTGT (không phải là 40 tỉ đồng), VPF còn kêu gọi thêm được các nhà bảo trợ như FLC, Becamex, Đồng Tâm, Kiên Long, Thiên Thanh, Bảo hiểm Hùng Vương, Sportradar, Bavapen, HAGL, nước Onsen, Yến sào Khánh Hòa, Động Lực và những đơn vị này tham gia tài trợ một phần vì họ được quảng cáo trong 15 phút phát sóng trên truyền hình.

Theo thông lệ, các nhà tài trợ này sẽ ký từng năm kèm theo điều khoản ưu tiên khi gia hạn và gần như tất cả đều gia hạn như những năm qua. Hiện tại, hàng loạt nhà tài trợ đã ra đi, còn lại Động Lực mùa này nhưng do còn thời hạn hợp đồng từ nhiệm kỳ cũ để lại.

Như thế, những cái tiến bộ thì chưa thấy VPF duy trì hoặc những gì tốt đẹp như việc hợp tác với Next Media trong việc bảo đảm truyền hình trực tiếp 100% các trận đấu từ V-League đến Giải Hạng nhất quốc gia và Cúp quốc gia thì VPF nhiệm kỳ mới lại dự định giao cho một đơn vị mới mà khả năng kiếm tiền, xây dựng hình ảnh chưa được kiểm chứng hoặc không chắc hơn đối tác cũ; đồng nghĩa với việc VPF có thể ảnh hưởng đến quyền lợi người hâm mộ và của các CLB vì khi có các trận đấu được phủ sóng, các đội sẽ khai thác kinh doanh, vận động tài trợ được tốt hơn. 

 Hoàng Tú

Theo NLĐ

largeer