Nhiều tín hiệu tích cực cho ngành gỗ Việt Nam

Thứ hai, 11/11/2019, 10:19 AM

Lâm sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm trong giai đoạn 2010-2018.

Ngành gỗ Việt Nam đang dần hướng đến tự chủ nguồn nguyên liệu và tạo ra các sản phẩm xuất khẩu giá trị cao.

Ngành gỗ Việt Nam đang dần hướng đến tự chủ nguồn nguyên liệu và tạo ra các sản phẩm xuất khẩu giá trị cao.

Sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển.

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Sản phẩm gỗ các loại đạt 5,32 tỷ USD; gỗ nguyên liệu đạt 2,10 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ: 417,2 triệu USD. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản có mức tăng trưởng ổn định từ 17-19% qua các tháng. Trong đó, gỗ tăng 10,6% và sản phẩm gỗ tăng 19,5% so với cùng kỳ do các đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và EU tăng cao và ổn định; một số mặt hàng có giá bán xuất khẩu cao hơn như dăm gỗ đạt trung bình 137 USD/tấn, tăng hơn khoảng 10 USD/tấn so với năm 2018 đã đưa giá trị xuất khẩu dăm gỗ tăng hơn 26,2% so với cùng kỳ 2018.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết hiện tại sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt ở thị trường 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 4.700 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ. Nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nên bước đầu đã phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ.

“Hiện nay Việt Nam đã tự chủ được 80% nguồn nguyên liệu gỗ để sản xuất. Đồng thời cũng sử dụng nguồn nguyên liệu rừng trồng với 2 loại cây chủ yếu là tràm và cao su để tạo ra các sản phẩm giá trị cao mà đáp ứng được yêu cầu xuất xứ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục được duy trì, là tiền đề cho sự phát triển của các ngành công nghiệp, trong đó có chế biến và xuất khẩu gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần kinh doanh. Bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí theo phong cách cổ điển.

Việt Nam cũng đã phê chuẩn và đang triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Việt Nam - EU (EVFTA) giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thêm nữa là Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan; đây đều là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Ông Hiệp đánh giá ngành chế biến gỗ có rất nhiều cơ hội, tuy nhiên vẫn còn có những thách thức như: Mô hình tăng trưởng hiện nay chưa tạo được sự phát triển về chiều sâu; nguồn cung nguyên liệu chưa thực sự được bảo đảm; giá thành vật liệu phụ trợ cao; yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ cùng với các tác động khác từ nền kinh tế…đòi hỏi các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần có sự nhạy bén trước những biến động của thị trường và hoạch định chiến lược phát triển sao cho phù hợp; đặc biệt cần chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường có giá trị xuất khẩu cao trong những năm qua gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc; đồng thời mở rộng thị phần tại số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Australia, Canada, Ấn Độ...

Bên cạnh đó cần có sự thay đổi tư duy từ các nhà quản lý để xuất khẩu gỗ Việt Nam có tiềm lực tăng trưởng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều sản phẩm chế biến có chất lượng cao và tính thẩm mỹ phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Ngành gỗ cũng rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các ngành chức năng để cơ chế chính sách hỗ trợ ngành được thông thoáng, từ đó tạo tiền đề cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ có cơ hội bứt phá hơn trong những năm tới.

NGUYỄN NGỌC

Theo NTD

largeer