Nhìn lại 30 năm thu hút FDI: Được và mất

Thứ ba, 02/10/2018, 09:49 AM

30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giúp Việt Nam từ một nước nông nghiệp thành nước có nền công nghiệp hiện đại, trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực. Nhiều địa phương, nhiều ngành kinh tế đã “lột xác” nhờ có nguồn vốn FDI, và việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng tiếp tục đóng vai trò quan trọng để kinh tế Việt Nam phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, những hạn chế của thu hút FDI thời gian qua cần được khắc phục trong thu hút FDI thế hệ mới.

Những cú “lột xác” ngoạn mục nhờ FDI

Sau 30 năm, có thể nói nguồn vốn FDI đã trực tiếp làm thay đổi cục diện kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Ở phía Bắc, có nhiều điển hình trong thu hút FDI như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên...

Với Vĩnh Phúc, từ xuất phát điểm với nhiều khó khăn, hạn chế ban đầu, đến nay Vĩnh Phúc đã vươn lên là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư. Nếu như năm 1998, Vĩnh Phúc mới chỉ có 8 dự án FDI thì đến nay đã có hơn 250 dự án FDI của 16 quốc gia với vốn đầu tư gần 4 tỷ USD. Từ chỗ thu ngân sách của Vĩnh Phúc chỉ là 114 tỷ đồng năm 1997, phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, nhờ có thu hút FDI, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay, thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt mốc 30.000 tỷ đồng/năm. Có được kết quả này chính là nhờ thu hút được 2 nhà đầu tư Toyota và Honda của Nhật Bản, đây là hai dự án đóng góp rất lớn cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại một buổi tọa đàm về thu hút FDI được tổ chức tại Vĩnh Phúc, chia sẻ về các giải pháp để thu hút thành công nguồn vốn này, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện hỗ trợ DN FDI vào đầu tư, phát triển.

Dẫn điển hình của tỉnh Bắc Ninh, nơi tập trung các dự án đầu tư nước ngoài lớn, GS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu ngân sách của tỉnh này trước năm 2012 là khoảng 2.000 tỷ đồng, đến năm 2017 con số này lên đến 22.000 tỷ đồng. “Chúng ta dành 100ha đất cho Samsung, nếu làm nông nghiệp thì 100ha này có doanh thu vào khoảng 300 triệu đồng/ha, còn Samsung nộp ngân sách 3.000 tỷ đồng/năm, tính ra trung bình 30 tỷ đồng/ha”, GS Nguyễn Mại nói.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI hiện đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP.HCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44,4 tỷ USD, tiếp theo là Hà Nội với gần 32,8 tỷ USD và tỉnh Bình Dương với 30,8 tỷ USD. Ngoại trừ TP.HCM và Hà Nội, hai đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, khá nhiều địa phương đã đổi vận nhờ FDI. Tại phía Nam, vào những năm 90, Bình Dương vẫn còn là tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì nhỏ bé. Đến nay, Bình Dương đã thu hút được hơn 3.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 39 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào công nghiệp và đây là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đầu tư phát triển của tỉnh này hàng năm. Nhờ đó, Bình Dương trở thành một trong những địa phương có kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.

Honda là một trong những DN FDI làm ăn thành công ở Việt Nam. Ảnh: ST

Honda là một trong những DN FDI làm ăn thành công ở Việt Nam. Ảnh: ST

334 tỷ USD - kì tích

30 năm đổi mới cũng là 30 năm Việt Nam tiến hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút FDI. Có thể thấy thành tựu đạt được là vô cùng to lớn.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ năm 1988, năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài cho đến hôm nay, trên lãnh thổ Việt Nam đã in dấu hơn 26 nghìn dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo chân những ông lớn như Samsung, Intel, Toyota, Honda, Microsoft… và nhiều dự án FDI khác, số vốn đầu tư mà các nhà đầu tư đã đổ vào Việt Nam đã lên tới hơn 334 tỷ USD, trong đó đã có tới 183,62 tỷ USD được chảy vào nền kinh tế, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Nguồn lực to lớn này cũng như một kỳ tích đã đem lại những sự đổi thay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng quy mô vốn đầu tư cho nền kinh tế,  nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… cho Việt Nam. Hiện nay Việt Nam là một nước mạnh về XK với kim ngạch XNK 2017 lên tới hơn 400 tỷ USD, trong đó, khu vực FDI đóng góp tới 70%.

Nhớ lại những ngày đầu khi Việt Nam bắt đầu thu hút đầu tư FDI, GS. Nguyễn Mại, , Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho biết, từ đầu năm 1988 sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, Chính phủ đã giao cho Bộ Kinh tế đối ngoại nhiệm vụ thẩm định và cấp phép dự án FDI. Đến tháng 3/1989, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) được thành lập, có chức năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. Khẳng định tầm quan trọng của nguồn vốn FDI trong phát triển kinh tế từ đó đến nay, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp, GS. Nguyễn Mại dẫn chứng, nhờ có đầu tư FDI mà đến nay một trong những ngành mà Việt Nam không thua kém bất kỳ nước nào trong ASEAN là công nghệ thông tin. Theo GS Nguyễn Mại, năm 1991, Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) với một tập đoàn bưu chính viễn thông của Australia được ký kết với tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD đã đặt nền móng cho Việt Nam phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngay sau đó, Australia đã đưa được những công nghệ hiện đại nhất về viễn thông vào Việt Nam, đào tạo cho ngành bưu chính viễn thông những nhà lãnh đạo kiểu mới, tiếp cận với công nghệ hiện đại, đồng thời, thay đổi được phương thức quản trị của VNPT theo hướng kinh tế thị trường. “Hiện nay chúng ta chuyển sang 4G và bây giờ bắt đầu 5G để sánh ngang Singapore, vượt qua rất nhiều nước. Hiện số người Việt dùng smartphone lên đến hơn 50 triệu người và tỉ lệ người dùng máy tính chiếm 70%, mạng internet của Việt Nam rất phổ biến. Đối với công nghệ viễn thông cũng vậy, từ một nước lạc hậu nhất, cước đắt nhất trở thành nước dẫn đầu Đông Nam Á về công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, với giá dịch vụ rẻ nhất”, GS Nguyễn Mại nói.

Hiện nay, công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực dẫn đầu thu hút vốn FDI vào Việt Nam với số vốn đầu tư lên đến 190 tỷ USD, chiếm gần 60% vốn FDI, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Việc Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất điện thoại lớn nhất của Tập đoàn Samsung, là điểm đến của các tập đoàn lớn trong ngành điện tử, dầu khí, dệt may, bất động sản, sản xuất điện… góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế trong các lĩnh vực này.

Chuyển hướng chiến lược trong thu hút FDI

Nhìn lại 30 năm qua cho thấy, bên cạnh đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội, thu hút FDI qua vẫn để lại những dấu lặng trầm buồn, khi câu hỏi được và mất gì trong thu hút FDI vẫn được đặt ra, đặc biệt khi những hạn chế trong thu hút FDI chưa thực sự được cải thiện.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả, đóng góp tích cực, quá trình thu hút FDI cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế, tiêu cực cần sớm được khắc phục. Đó là sự liên kết giữa khu vực FDI và DN trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành công nghiệp ô tô, điện tử; số dự án công nghệ cao do các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư còn ít, một số dự án gây ô nhiễm môi trường, trong đó có những sự cố môi trường nghiêm trọng như trường hợp của Formosa Hà Tĩnh, Vedan Đồng Nai; việc sử dụng tài nguyên, nhất là đất đai còn lãng phí; tại một số dự án đã và đang xảy ra hiện tượng chuyển giá, làm thất thu thuế…

Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để đáp ứng được mục tiêu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới, cần phải có những chuyển hướng chính sách, phải có chính sách chiến lược và kèm theo một kế hoạch hành động gắn liền với việc cải cách môi trường đầu tư, chính sách và thể chế cụ thể, nhằm thu hút FDI thế hệ mới, và nhằm khai thác tối đa những tiềm năng mà FDI mang lại cho Việt Nam. Theo đó, chuyên gia này đã đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong thu hút FDI, trong đó có những khuyến nghị đáng chú ý như: Cần thiết lập một cơ quan quản lý FDI thế hệ mới; cần đưa ra những chính sách cụ thể nhằm tăng cường kết nối và hiệu ứng lan tỏa từ FDI; cần xây dựng “Môi trường đầu tư 4.0” phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, cần cải cách sâu rộng khuôn khổ ưu đãi hiện hành và tái cân bằng đối với các ưu đãi dựa trên hiệu quả hoạt động đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế. Theo đó, thời gian tới cần phải tập trung ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh. Đó cũng phải là các dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, low-carbon và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta cũng sẽ ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực DN trong nước.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Để thu hút FDI có chất lượng, nâng cao tính lan tỏa, thì đào tạo và chuẩn bị đội ngũ nhân lực chất lượng cao, kỹ sư lành nghề là rất quan trọng. Chính điều này sẽ thúc đẩy liên kết, đưa các DN FDI tự tìm đến với DN trong nước. Cần đưa những nhân lực này vào các DN liên doanh với nước ngoài để tiếp thu công nghệ, do đó thành lập nhiều DN liên doanh cũng phải là định hướng trong thu hút FD thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài: Một điểm yếu của vốn FDI là thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, khi mà tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từ đầu năm đến nay rất thấp đạt 91 triệu USD . Những năm gần đây thu hút FDI vào nông nghiệp hàng năm cũng chỉ đạt khoảng 100 triệu USD, từ chiếm tỷ lệ 2% tổng đầu tư nước ngoài xuống dưới 1%. Lũy kế tính đến tháng 7/2018, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp là 3,379 tỷ USD, chưa đến 1% trong tổng đầu tư nước ngoài Việt Nam. Hạn chế này từ khu vực FDI cũng cho thấy điều tích cực là chính doanh nghiệp trong nước (Vingroup, HAGL, TH, FLC) đang đi tiên phong vào đầu tư nông nghiệp chứ không phải đầu tư nước ngoài. Thời gian tới chúng ta cần có giải pháp để cải thiện.

Thu Hiền 

Theo Baohaiquan

largeer