Nhớ lắm con cá linh mùa nước lũ

Thứ ba, 17/09/2019, 14:26 PM

Tháng bảy âm lịch năm nay tôi và một người bạn đã đèo nhau trên chiếc xe máy hướng về Châu Đốc, Tịnh Biên rồi vòng qua An Phú thuộc tỉnh An Giang để trải nghiệm mùa nước nổi trong thời kỳ biến đổi khí hậu. Than ôi! Đi đến đâu tôi cũng chứng kiến cảnh buồn rầu và thất vọng của bà con ngư dân, vì đến giờ phút này, lẽ ra “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, vậy mà mực nước vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nhiều người sốt bụng, ngày nào cũng ngóng đợi con nước đổ về nhưng vô vọng.

Đánh bắt cá linh mùa nước nổi tại kinh Vĩnh Tế cách nay 5 năm.

Đánh bắt cá linh mùa nước nổi tại kinh Vĩnh Tế cách nay 5 năm.

Khi vùng lũ không có lũ      

Điểm đầu tiên mà tôi dừng chân là chợ Châu Đốc, thủ phủ của cá linh mùa nước nổi, thế nhưng năm nay cả một khu chợ chỉ loe ngoe vài rổ cá. Tôi lại chạy vô kinh Vĩnh Tế, nơi có hàng trăm ngư dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Vào những ngày này mấy năm trước tôi thường qua lại và từng chứng kiến cảnh bà con rộn ràng, tất bật chài, lưới, kéo vó, đặt dớn... vậy mà giờ này nhiều cánh đồng vẫn trơ đất, nhà nào cũng lặng im, chẳng có không khí gì mùa nước nổi. Ngay tại chợ Cây Mít  thuộc huyện Tịnh Biên là nơi mua bán cá linh ồn ào, náo nhiệt nhất, năm nay cũng lạnh tanh vắng ngắt.

Ông Nguyễn Văn Dũng nhà ở dọc kinh Vĩnh Tế đã có 20 năm làm nghề đóng đáy cá linh vừa thấy tôi đã than: “Chưa bao giờ kỳ lạ như năm nay. Đã hết tháng bảy rồi mà mực nước vẫn thấp. Thế này làm sao cá linh về được”. Đi tiếp một đoạn nữa, tôi lại ghé thăm một nhà quen, anh chủ nhà từng cho tôi xuống ghe đi coi đóng đáy, chụp hình mấy năm về trước, mỗi lần dỡ đáy bắt cả trăm ký cá. Còn bây giờ thì ông còn treo lưới chờ nước lên.

Sau cùng tôi vòng qua huyện An Phú, tới xã Vĩnh Hội Đông, một xã giáp biên giới Việt - Miên, nơi nổi tiếng về cá linh. Vào những ngày này mấy năm trước, hàng trăm ghe xuồng tấp nập đánh bắt, năm nay, nhiều người đã trang bị sẵn lờ, lọp, lưới, dớn... nhưng ai nấy đều ngậm ngùi vì mực nước thấp, cá không về. Chị Tư Hạnh, một bạn hàng mua bán cá linh cho biết mấy năm trước mỗi ngày chị thu vô vài trăm ký cá tươi, năm nay kiếm đỏ con mắt cũng chỉ được vài ba ký.

Đi tới đâu thấy bà con rầu rĩ không vui, mình cũng buồn lây. Theo lời kể của các bậc tiền bối thì xưa kia, mỗi năm đến mùa nước nổi, cá linh bắt đầu tràn về các kinh rạch, ao hồ, đồng ruộng không biết cơ man nào mà kể, tạo cho không khí mùa nước nổi trở nên sôi động khác thường. Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho bà con vùng lũ lụt một tài sản vô cùng quý giá mà ít nơi nào có được. Bà con sống dọc theo hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu luôn coi cá linh là một một nguồn thực phẩm phong phú, dồi dào và rẻ tiền nhất.

Không có lũ về, cá linh rất hiếm.

Không có lũ về, cá linh rất hiếm.

Ngày đêm trông ngóng nước lên để cá linh về    

Chưa có nơi nào mà trữ lượng cá linh nhiều như Đồng bằng sông Cửu Long và cũng chưa có loại cá nào giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của bà con vùng sông nước như cá linh. Thế nhưng, năm nay lại là năm tiêu điều nhất, con cá linh đã bỏ chúng ta không về hoặc về rất ít.

Nhiều người lo ngại không biết rồi đây con cá linh có còn nữa hay không! Anh bạn của tôi nhìn các giàn lưới tiêu điều, xác xơ, ngư dân phờ phạc chờ nước lên, bất giác anh cảm hoài: “Cá ơi sao cá không về? Cá đợi mùa nước lên hay cá thầm trách con người vô tâm làm cạn dòng nước, phá hoại môi trường, khiến cá không còn chốn dung thân?” Trước khi rời An Phú, tôi bắt tay từ biệt một lão ngư 75 tuổi tại một làng chài. Ông ấy nói: “Qua ở đây từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ thấy mực nước bất thường như năm nay. Có lẽ là do ý trời cháu à!”

Trên đường về, tôi nhớ lại trong một bài viết mang tên “Don Sahong - “tử huyệt cá” trên dòng Mekong”, PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Đại học Cần Thơ đã viết: “Có lẽ cá sẽ còn trong ký ức của người dân sống dọc con sông này” khiến tôi bàng hoàng thương nhớ con cá linh.

Không khí đánh bắt cá linh mùa nước nổi tại An Giang cách nay vài ba năm.

Không khí đánh bắt cá linh mùa nước nổi tại An Giang cách nay vài ba năm.

PHÚC LỘC

Theo NTD

largeer