Nhu cầu cấp thiết về minh bạch thông tin hàng hóa

Thứ ba, 07/08/2018, 15:07 PM

Cục Quản lý Thị trường thuộc Bộ Công Thương đã công bố quyết định do Thứ trưởng Đặng Hoàng An ký về công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty cổ phần Con Cưng.

12

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa, hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng.

Theo thông tin từ TTXVN, lẽ ra hoạt động kiểm tra này được tiến hành từ tuần trước nhưng do doanh nghiệp có yêu cầu về điều kiện, thời gian chuẩn bị tài liệu, chứng từ phục vụ đoàn kiểm tra nên hoạt động này được dời đến ngày 30-7. Quan điểm của cơ quan quản lý thị trường là đồng hành, bảo vệ các doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ, tuân thủ pháp luật, nhưng sẽ xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, sản xuất hàng gian, hàng giả…

Trong dòng thời sự liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, vào tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31-5-2018. Kết luận nêu rõ, công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng. Cụ thể, trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, công ty đã sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc.

Câu chuyện của Con Cưng hay Mumuso Việt Nam là những dẫn chứng cụ thể đang phản ánh một nhu cầu cấp thiết của thị trường về sự minh bạch thông tin, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của hàng hóa. Nhu cầu kiểm tra nguồn gốc hàng hóa đang ngày càng trở nên thiết thực với người tiêu dùng, qua đó càng nhấn mạnh trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung ứng trong việc đưa ra những giải pháp giúp người tiêu dùng trực tiếp thu thập thông tin về hàng hóa.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều đã xây dựng hệ thống mã vạch để truy xuất và quản lý hàng hóa hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp đều sử dụng quy trình này bằng tay thay vì truy xuất bằng điện tử để tiết kiệm chi phí đầu vào. Trên thực tế, các loại mã số, mã vạch không theo những quy chuẩn chung sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng nhận biết thông tin chính xác về những sản phẩm này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư cho các giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm dưới dạng mã vạch hai chiều (2D) và được đọc bởi máy đọc mã vạch, hoặc điện thoại thông minh. Khác với loại mã vạch thủ công, các mã vạch ma trận (QR code) có thể lưu giữ những thông tin về tên sản phẩm, loại hàng hóa, tên nhà sản xuất, xuất xứ, giá thành…, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ dàng nhận biết.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải cung cấp thêm các thông tin có liên quan đến tính an toàn, bảo đảm về chất lượng hàng hóa như giấy chứng nhận, kết quả đăng kiểm, những sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, các sản phẩm liên quan. Giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc hàng hóa còn cần gắn kết với kênh tương tác, giúp doanh nghiệp nhận những thông tin phản hồi từ người dùng sản phẩm trước đó, từ đó giúp gia tăng sự tin cậy của khách hàng trước khi họ quyết định mua hàng.

Yên Minh

SGTT

largeer