Những điều cần biết khi sử dụng bỉm cho trẻ nhỏ

Thứ bảy, 04/08/2018, 19:05 PM

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ luôn là một ưu tiên hàng đầu đối với các bậc phụ huynh. Thế nhưng hiện nay, vấn nạn hàng giả hàng nhái kém chất lượng khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.

Theo đánh giá của ban Bảo vệ người tiêu dùng, gần đây, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại bỉm, tã giấy kém chất lượng, nhái nhãn mác với giá rẻ hơn từ 30% đến một nửa so với hàng chính hãng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng.

Gần đây nhất, cuối tháng 4/2018, cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về buôn lậu phối hợp cục Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá 1 cơ sở sản xuất bỉm trẻ em giả tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 140.000 miếng bỉm trẻ em đã được tập kết, đóng gói dán nhãn các hãng bỉm lớn, chuẩn bị đưa đi các tỉnh tiêu thụ.

Vụ việc này đã thúc lên một hồi chuông cảnh báo tới các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc sức khỏe cho con em mình, đặc biệt là trong việc lựa chọn bỉm cho con.

Để hiểu rõ hơn về tác hại của việc sử dụng bỉm giả và một vài cách để phân biệt bỉm giả với bỉm thật cho các bậc phụ huynh, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi phỏng vấn BS Lê Việt Anh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam để được lắng nghe những chia sẻ rất bổ ích về vấn đề này.

Cách phân biệt bỉm giả với bỉm thật

BS Lê Việt Anh cho biết: "Khi mua sắm bỉm cho con, các mẹ nên mua ở những cửa hàng chuyên về đồ em bé, siêu thị lớn để chọn mua những nhãn hàng bỉm có uy tín, hạn chế những rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng trôi nổi, hết hạn sử dụng".

Bác sĩ Lê Việt anh cũng chỉ ra cách phân biệt bỉm thật – giả:

- Bỉm thật có bao bì in hình nổi bật, sáng, dễ nhìn, có tem chống hàng giả, tem sản xuất với mã vạch đầy đủ. Bỉm nhái không có tem mã vạch hoặc nếu có thì rất mờ, không nhận biết được.

Cách phân biệt bỉm thật với bỉm giả (Ảnh: Internet)

Cách phân biệt bỉm thật với bỉm giả (Ảnh: Internet)

- Khi mua bỉm, nếu như bạn thấy màu bao bì có vẻ nhợt nhạt hoặc đậm quá, chất lượng màu in không được tốt thì có thể hàng bạn mua là hàng giả. Vì những loại hàng chính hãng, hàng từ công ty thì chất lượng màu in sẽ rất tốt và không bao giờ bị lem màu.

Cách phân biệt bỉm thật với bỉm giả (Ảnh: Internet)

Cách phân biệt bỉm thật với bỉm giả (Ảnh: Internet)

Hiện nay, không có gì khó để kiểm tra giá của một hãng bỉm nào đó, bởi vì tất cả các loại bỉm có thương hiệu đều niêm yết giá trên website chính thức. Đồng nghĩa với việc, nếu như giá thấp hơn quá nhiều, bạn có thể nghi ngờ về nguồn gốc của loại bỉm đó. Vì vậy, giá cả cũng là một trong những yếu tố để bạn xem xét về nguồn gốc sản phẩm.

Cách phân biệt bỉm thật với bỉm giả (Ảnh: Internet)

Cách phân biệt bỉm thật với bỉm giả (Ảnh: Internet)

Khi chủ định mua loại bỉm nào đó, bạn cần tìm hiểu thông tin về nó được ghi ngoài bao bì để kiểm tra kỹ về nguyên liệu, số lượng, quy cách đóng gói. Mỗi loại sẽ có những loại bịch quy định khác nhau, nếu bạn thấy không đúng với những thông tin niêm yết thì đó không phải là hàng chính hãng 

Tác hại của bỉm giả đối với trẻ nhỏ

Các loại bỉm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc trên thị trường thường có độ thấm hút kém, không đạt tiêu chuẩn khử trùng. Bỉm chất lượng tốt thường có thêm những hạt siêu thấm, giúp thấm hút các chất thải và phân bố đều theo dọc tã, giúp bé cảm thấy dễ chịu.

Còn các loại bỉm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc trên thị trường thường có độ thấm hút kém, không đạt tiêu chuẩn khử trùng. Hơn nữa, khi trẻ đi vệ sinh xong chưa kịp thay bỉm sẽ gây thấm ngược trở lại vùng da và hình thành vi khuẩn, mầm gây bệnh nguy hiểm.

Trẻ bị dị ứng do dùng bỉm giả kém chất lượng.

Trẻ bị dị ứng do dùng bỉm giả kém chất lượng.

Trong khi đó vùng da của trẻ vốn nhạy cảm do đó, việc thấm hút kém sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dễ gây mầm bệnh ngoài da cũng như các tổn thương khác ở vùng sinh dục. Đặc biệt, sử dụng bỉm giả có thể các sản phẩm này được sản xuất và đóng gói bằng tay và có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, có thể gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục, lâu dần dẫn tới vô sinh.

Lời khuyên đến các bậc phụ huynh trong việc sử dụng bỉm cho trẻ

Để chăm sóc sức khỏe cho các bé đạt hiệu quả tốt nhất, BS Lê Việt Anh đã đưa ra một vài lời khuyên tới các bậc phụ huynh trong việc sử dụng bỉm cho trẻ:

Với trẻ bú mẹ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, khả năng kiếm soát cơ tròn (cơ thắt hậu môn, cơ niệu đạo) rất hạn chế. Do đó, trẻ sẽ bài tiết (tống phân, nước tiểu) theo nhu cầu, ngay lập tức mà không có khả năng trì hoãn.

Vì vậy, việc đóng bỉm là cần thiết đối với trẻ nhằm tránh bị ướt nhiều lần trong ngày. Trong những tháng đầu tiên sau sinh, cứ khoảng 2-3 giờ đồng hồ bạn nên thay bỉm cho bé.

Tất nhiên, nếu bé đại tiện thì cần phải thay ngay. Trên lý thuyết, một miếng bỉm nếu chỉ chứa nước tiểu thì có thể mặc được trong nhiều nhất 4 tiếng. Do vậy, các mẹ cần thay bỉm cho trẻ tối thiểu là 3-4 tiếng một lần, nếu trẻ đi ngoài hoặc tiểu nhiều thì sẽ phải thay thường xuyên hơn. Điều quan trọng là nên thay bỉm thường xuyên khi bỉm ướt và giữ cho vùng da mặc bỉm luôn khô ráo để tránh cho bé bị hăm.

Các mẹ cũng không nên lạm dụng phấn rôm. Phấn rôm khi được thoa vào vùng nhạy cảm, lại bị “bịt kín” bởi chiếc bỉm khiến những hạt bụi phấn không thoát ra ngoài được. Điều này sẽ gia tăng tình trạng bí bách cho làn da của bé.

Ngoài ra, nếu bôi quá nhiều phấn rôm vào vùng kín của trẻ sẽ dẫn đến tình trạng phấn kết hợp với nước tiểu và phân tồn đọng ở trong bỉm của bé gây nên hiện tượng vón cục, gây bít lỗ chân lông và dẫn tới hăm tã ở trẻ.

Để dự phòng tình trạng hăm tã ở trẻ, Quan trọng nhất là chú trọng vệ sinh cho bé. Phải rửa vùng kín cho bé ngay sau khi bé đi vệ sinh xong bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông và thay tã mới.

Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm. Dùng khăn ướt có thể làm khô da bé, bạn cần cẩn thận chọn loại không cồn và không mùi.

Không dùng chung kem chống hăm cho nhiều bé. Nếu ngón tay bạn đã chạm vào vùng da bé bị hăm thì bạn không dùng lại ngón tay đó để lấy kem trong hũ nữa mà dùng ngón tay khác để lấy thêm kem. Nếu có thể, bạn nên để da bé tiếp xúc với không khí trong khoảng thời gian ngắn sau khi thay bỉm. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn và các vết hăm cũng sẽ mau lành hơn.

Bên cạnh đó, mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với da bé và nhớ kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện khi tã lót của bé ướt. 

Nguyễn Lâm

Người Đưa Tin

largeer