Những điều doanh nghiệp cần biết về chống bán phá giá?

Thứ năm, 23/05/2019, 17:10 PM

Một sản phẩm bị coi là bán phá giá (tức là được đưa vào lưu thông thương mại của một nước khác thấp hơn trị giá thông thường của sản phẩm đó) nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam từ khi phát triển kinh tế thị trường đã đẩy mạnh hợp tác xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới. Bên cạnh những thuận lợi mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do ký kết còn chịu không ít trở ngại, trong đó đáng kể là các vụ kiện chống bán phá giá khiến doanh nghiệp lao đao. Hiện nay các ngành được xếp vào hàng bị kiện chống phá giá hàng đầu của Việt Nam là thép, thủy sản (cá tra, tôm), các loại thực phẩm, lương thực...

Đối với hàng xuất khẩu, với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp Việt Nam đã kháng kiện thành công nhiều vụ việc như vụ tôm, cá tra, basa do Hoa Kỳ áp dụng, thép do Australia, Canada áp dụng...  Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là trong khi các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận thức rất tốt về phòng vệ thương mại thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chưa chú ý đúng mức tới công cụ được coi là “van an toàn" của dòng chảy hội nhập. 

Điều cần làm khi bị kiện chống phá giá

Phối hợp với cơ quan chức năng trong thủ tục điều tra vì nếu doanh nghiệp từ chối hợp tác với cơ quan điều tra thì sẽ bị áp dụng các thông tin có sẵn, thường rất bất lợi cho doanh nghiệp.

Tìm hiểu quy trình, thủ tục, thời hạn của cuộc điều tra nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời yêu cầu của cơ quan điều tra.

Chuẩn bị thông tin sẵn sàng để cung cấp và chứng minh cho cơ quan điều tra khi cần thiết.

Có sự liên kết với các doanh nghiệp khác vì biên độ chống phá giá được tính gộp bởi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp bị kết luận có hành vi bán phá giá, thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng cho toàn bộ sản phẩm tương tự xuất khẩu từ Việt Nam, bất kể do doanh nghiệp nào xuất khẩu.

Khởi kiện tại toà án của nước điều tra. Để khởi kiện, doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ từ luật sư để chuẩn bị tốt nhất những chứng cứ và lập luận bảo vệ rằng, việc doanh nghiệp bị áp thuế chống bán phá giá là không hợp lý.

Kim Ngọc

Theo PLN

largeer