Những “vết sẹo” khó lành trên thị trường địa ốc

Thứ năm, 02/05/2019, 15:19 PM

Suốt hai năm qua, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu có tốc độ phát triển bất động sản rất nhanh. Những dự án địa ốc quy mô liên tục được giới thiệu, nhiều tên tuổi của doanh nghiệp nổi lên nhờ những thị trường tỉnh lẻ này. Tuy nhiên, số lượng dự án chết và doanh nghiệp điêu đứng cũng không ít. Điều này trở thành “vết sẹo” cho những địa phương vùng ven.

Dự án triển khai bán cho khách hàng giờ là nơi chăn thả bò.

Dự án triển khai bán cho khách hàng giờ là nơi chăn thả bò.

Rối như tơ vò

Điểm chung của thị trường bất động sản các tỉnh khu vực tiếp giáp TP.HCM là hàng loạt dự án đất nền được quảng cáo hoành tráng, bản vẽ lung linh về hạ tầng và tiện ích. Bước tiếp theo là tổ chức các sự kiện mở bán hay giới thiệu dự án để tạo hiệu ứng sốt đất, từ đó thu tiền của khách hàng, sau đó dự án “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Xã Phước Tân và xã Tam Phước thuộc TP. Biên Hòa là một trong những điểm nóng về bất động sản của tỉnh Đồng Nai suốt 2 năm nay. Tại đây, hàng loạt dự án quy mô được giới thiệu nhưng tới nay những khu đất được vẽ thành dự án chỉ là bãi đất trống.

Ở các huyện khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Một dự án phân lô bán nền tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu do CTCP Địa ốc An Phát phân phối được quảng cáo đã đầy đủ pháp lý, giá rẻ, tiện ích tốt nhưng hiện dự án này không thấy hệ thống điện, nước mà chỉ thấy đường sá đang xây dựng dở dang.

Dự án Airport Golden Gate, xã Lộc An, huyện Long Thành do CTCP Đầu tư Asia Land làm chủ đầu tư có quy mô 3,8ha, gồm 280 nền, diện tích từ 85-160m2/nền. Theo công bố của chủ đầu tư nền đất thuộc dự án này đã được khách hàng đặt mua hết. Dù những nền đất ở đây đã có sổ riêng và khách hàng có thể xây dựng bất cứ lúc nào, nhưng các lô đất đã có chủ này chỉ để cỏ mọc.

Vào thời điểm 2018 Bà Rịa - Vũng Tàu là một thị trường có thể coi là đỉnh cao của các dự án phân lô bán nền. Nói là dự án nhưng thực tế chỉ là đất nông nghiệp sau đó chuyển đổi mục đích đất ở, vẽ thành dự án để bán cho khách hàng. Một loạt cái tên được môi giới vẽ ra thành dự án Golden Central Park, dự án The Sun... dù mọc trên đất ruộng muối chưa được cấp phép. Kể cả những dự án được quy hoạch bài bản cũng không thể triển khai vì chủ đầu tư thiếu năng lực như dự án Vila Sài Gòn View (thị xã Phú Mỹ) do Công ty TNHH Địa ốc Vila Sài Gòn làm chủ đầu tư, dự án Khu biệt thự sinh thái Cinderela 3, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ do CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Và hàng trăm dự án khác có thể sẽ phải thu hồi vì không thể triển khai tại địa phương này.

Bình Dương, địa phương trong năm 2019 bắt đầu trở nên nhộn nhịp hơn do sự xuất hiện của một số chủ đầu tư. Các dự án bài bản được triển khai, song cũng không thể phủ nhận thực tế, thị trường địa ốc Bình Dương đang có vấn đề. Không khó để điểm danh hàng loạt dự án “chết” ở địa phương này như dự án Prince Town, dự án Rich Town, dự án Sunflower Villa, dự án Lakeview Villas. Vấn đề chính của thị trường này chính là người ở.

Phân lô bán nền làm nát quy hoạch Đồng Nai.

Phân lô bán nền làm nát quy hoạch Đồng Nai.

Dự án chỉ để cỏ mọc và chăn thả bò

Có thể thấy, điểm chung của các thị trường vùng ven TP.HCM là dự án rất nhiều nhưng chỉ mang tính thời điểm. Ví dụ, thị trường bất động sản Đồng Nai vào những năm 2016 rất sốt, việc bán hàng thành công không phải là không có. Phóng viên cũng tiếp xúc rất nhiều đơn vị môi giới ở thị trường Đồng Nai và phát hiện rằng có những dự án khách hàng giành nhau mua. Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu là thị trường của năm 2018, quý 2 và quý 3/2018 địa phương này rất nóng về giao dịch, khảo sát ở các sàn giao dịch bất động sản thanh khoản ghi nhận ở mức cao.

Tuy vậy, một thực tế rất đáng ngại là đa số các dự án đều bị bỏ hoang, những dự án bán thành công thì sản phẩm cũng không có người ở. Lý do theo chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, ở các dự án này khách hàng giao dịch chính là các nhà đầu tư thứ cấp. Mức giá sau đó được các nhà đầu tư đẩy lên cao hơn, vượt quá khả năng của người có nhu cầu ở thực. Cùng với đó, chủ đầu tư không hoàn thiện hạ tầng như đã hứa nên cũng không thể thu hút được người dân về ở.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty DKRA Việt Nam phân tích, ở những đợt sốt đất, các nhà đầu tư thường ôm hàng với kỳ vọng giá sẽ lên cao hơn. Tuy vậy, khi đợt sốt đi qua, giá giảm mạnh họ không thể ra hàng. Trong khi đó, nếu chờ đợt sóng mới thì lại xuất hiện các dự án mới, các dự án cũ không được quan tâm nên tiếp tục để hoang. Tiến trình này cứ lặp lại như thế, tạo ra những “vết sẹo” của thị trường, đó là những dự án rộng bao la nhưng chỉ để cỏ mọc, làm chỗ chăn thả trâu bò, gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.

Nguyên Vũ

Theo NTD

largeer