Nỗi niềm của 256 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội trước nguy cơ mất việc

Thứ năm, 28/03/2019, 13:50 PM

Giáo viên hợp đồng ở Hà Nội muốn tiếp tục đứng lớp phải đăng ký dự tuyển viên chức và nếu thi không đỗ, họ sẽ bị chấm dứt hợp đồng làm việc. Nhiều giáo viên sau hơn 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục, cũng có nguy cơ bị đẩy "ra đường".

Các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn đang hết sức lo lắng, tìm cách kêu cứu lên các cơ quan chức năng. Ảnh: Bình Minh

Các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn đang hết sức lo lắng, tìm cách kêu cứu lên các cơ quan chức năng. Ảnh: Bình Minh

Sốc toàn tập trước nguy cơ bị “vắt chanh, bỏ vỏ”

Hơn một tháng nay, các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn (Hà Nội) sống trong lo lắng, không biết tương lai của mình sẽ ra sao. 

Cô Dương Thị Thúy Hiền (45 tuổi, người đã có 20 năm là giáo viên hợp đồng) nói trong nước mắt: “Chúng tôi thực sự bị sốc khi nhận được quyết định thi viên chức của UBND TP.Hà Nội; UBND huyện Sóc Sơn, quy định giáo viên phải tham gia thi tuyển công chức nếu muốn trụ lại với nghề.

Tận tình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện suốt 20 năm, tôi không thể ngờ có ngày mình lại có nguy cơ mất việc một cách oan ức như vậy”.

Lý do cô Hiền cho rằng mình và hàng trăm giáo viên khác có nguy mất việc trong oan ức là bởi, nếu phải dự thi, không chỉ cô mà rất nhiều giáo viên gạo cội khó có thể vượt qua môn thi ngoại ngữ. Bởi trước đây các cô được học tiếng Pháp, tiếng Nga…, nay lại phải thi tiếng Anh.

Cô Hiền còn sốc bởi nhiều năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…, những thành tích thể hiện năng lực cá nhân, nhưng vẫn không được ghi nhận.

Cô giáo Lê Thị Hồng Loan vẫn say sưa truyền đạt kiến thức cho học trò, dù tới đây có thể không còn được đứng lớp. Ảnh: Bình Minh

Cô giáo Lê Thị Hồng Loan vẫn say sưa truyền đạt kiến thức cho học trò, dù tới đây có thể không còn được đứng lớp. Ảnh: Bình Minh

Qua hồ sơ do nhóm giáo viên cung cấp, có tới 118 người từng đạt các danh hiệu thi đua, được các cấp khen thưởng. Tuy nhiên, dù được thừa nhận về chuyên môn và phẩm chất, họ vẫn có rất nhiều khả năng “không đủ tiêu chuẩn” trở thành viên chức ngành giáo dục và tới đây nguy cơ bị mất việc làm.

Rất nhiều giáo viên đã cống hiến trên 20 năm, với thân phận là giáo viên hợp đồng, cũng sẽ bị đẩy ra đường.

Chủ trương tinh giản biên chế, kiện toàn đội ngũ giáo viên đạt chuẩn của thành phố là hết sức đúng đắn, nhưng vì sao lại không ưu tiên những người có năng lực, từng cống hiến nhiều năm cho sự nghiệp giáo dục, là câu hỏi mà những giáo viên hợp đồng có quyền đặt ra và chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng ở Hà Nội.  

Áp dụng cứng nhắc Nghị định 161/2018/NĐ-CP

Khi được hỏi về vấn đề thi tuyển viên chức đối với giáo viên hợp đồng, ông Lê Hữu Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn – cho biết, huyện đã thông báo tới tất cả các trường học và tổ chức họp riêng với toàn bộ 256 giáo viên hợp đồng về vấn đề này.

Về cơ bản, huyện tuân thủ ý kiến chỉ đạo của thành phố và căn cứ vào Nghị định 161/2018/NĐ-CP để triển khai việc tổ chức thi tuyển.

Tại Nghị định trên, không có nội dung hướng dẫn áp dụng đối tượng được ưu tiên tuyển dụng là giáo viên hợp đồng, dù họ đã công tác, đã cống hiến bao nhiêu năm đi chăng nữa.

Cũng theo ông Mạnh, đợt này giáo viên nào không thi đỗ sẽ bị chấm dứt hợp đồng, huyện không còn duy trì mô hình giáo viên hợp đồng nữa.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, cả thành phố và huyện đều đã bỏ qua Điều 19 trong Nghị định trên, quy định “Trường hợp đặc biệt trong thi tuyển công chức”.

Trong đó, Điều 19 chỉ rõ các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc…, đều có thể được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức, viên chức tiếp nhận không qua thi tuyển.

Như vậy, toàn bộ số giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn – người ít nhất có 6 năm công tác, nhiều nhất tới 27 năm công tác – đều có thể được xem xét tuyển thẳng vào viên chức ngành giáo dục, mà không phải qua thi tuyển.

Bình Minh - Giang Trịnh

Theo laodong.vn

largeer